UMT TỔ CHỨC TÌM HIỂU CÁCH PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ CÁCH THỨC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ CHO SINH VIÊN

Ngày đăng: 28/02/2024

Các vụ lừa đảo trên mạng gần đây liên tục gia tăng, từ đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, đầu tư tài chính với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ sinh viên trước những rủi ro này, UMT đã phối hợp với Cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an Quận 1 và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank tổ chức Workshop “Phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và Cách thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” vào ngày 26/2/2024. 

Nâng cao cảnh giác về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và các biện pháp ngăn chặn

Diễn giả Thượng úy Châu Đức Nhân – Cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an Quận 1, cho biết: “Tính riêng năm 2022, có gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam”.  

Diễn giả Thượng úy Châu Đức Nhân – Cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an Quận 1.

Thông thường, đối tượng xấu giả mạo thương hiệu của các tổ chức để gửi SMS, giả mạo các trang web/blog chính thống uy tín để thu thập thông tin nạn nhân. Tiếp theo, nhóm đối tượng này chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân của nạn nhân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền. 

Để chủ động phòng tránh các hành vi lừa đảo này, khi sử dụng dịch vụ trên không gian mạng, sinh viên phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân. Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội... cho bất kỳ người lạ nào nhắn tin hay gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. 

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Thẻ ngân hàng… Không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. 

Tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Trong quá trình phát triển sự nghiệp của mỗi người, việc quản lý tài chính cá nhân rất quan trọng và cần thiết. Tiếp tục buổi Workshop, Diễn giả Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank đã hướng dẫn các bước quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, nhằm giúp UMTers học được cách quản lý tiền bạc tốt hơn, không phung phí, biết tiết kiệm, tiêu xài hợp lý, rèn sự tự lập, trưởng thành hơn khi không phụ thuộc vào gia đình để tạo ý thức, bắt nhịp với cuộc sống, hình thành thói quen khi sống xa nhà.

Hơn thế nữa, diễn giả còn chia sẻ thêm những sai lầm và tác hại khi không biết cách quản lý tài chính cá nhân và hệ lụy khi nhận định sai về giá trị đồng tiền sẽ dễ rơi vào bẫy tín dụng, vay mượn qua app. Diễn giả cũng tâm huyết cung cấp cho UMTers những thông tin bổ ích về thẻ tín dụng. Trong tương lai, Sacombank sẽ tiếp tục đồng hành cùng UMT trong việc hỗ trợ thanh toán học phí, các chương trình học bổng hoạt động vì cộng đồng.

UMT trân trọng cảm ơn Công an Quận 1, Sacombank và 2 vị Diễn giả đã đồng hành tổ chức buổi Workshop đầy ý nghĩa này. Hy vọng sau chương trình, UMTers sẽ là những người dùng mạng xã hội thông minh, có thêm kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bản thân và công việc trong tương lai.

Với nội dung hấp dẫn, diễn giả đầy tâm huyết, UMTers đã có những khoảng khắc giao lưu và trải nghiệm thú vị tại Workshop:

Tin: Mai Trúc Quỳnh - Sinh viên ngành TTĐPT
Ảnh: Phan Nguyễn Duy Kha - Sinh viên ngành CNTT