GIÁO DỤC STEAM/STEM: NÂNG CAO TƯ DUY SÁNG TẠO TRONG MÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Ngày đăng: 26/07/2024

Vừa qua, Trường Đại học UMT đã có cơ hội tổ chức buổi trò chuyện với TS. Nguyễn Thành Hải - Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ), về chủ đề “STEAM: Từ thực hành tới tư duy sáng tạo trong Đại học”. 

STEAM là một trong những phương pháp giáo dục tiên tiến nhất hiện nay được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, Pháp, Nhật… Do đó, Diễn giả Nguyễn Thanh Hải được đích thân TS. Huỳnh Bá Lân - Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng UMT, mời về chia sẻ cùng UMTers. 

TS. Nguyễn Thành Hải - Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ).

Buổi trò chuyện nhận được sự quan tâm từ Ban Lãnh đạo, Ban Giám hiệu UMT, có sự tham gia của: ThS. Huỳnh Thúy Phương - Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Lê Văn Nam - Thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo; TS. Trần Lưu Cường Thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo; ThS. Bùi Tường Thụy - Thành viên Hội đồng Trường, cùng lãnh đạo các đơn vị, cũng như thu hút sự tham gia đông đảo của GVNV và sinh viên UMT. 

Tại Talkshow, Diễn giả Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về đam mê khoa học và vũ trụ của mình từ khi còn là sinh viên. Thầy theo đuổi ngành Công nghệ sinh học khi học đại học và có thời gian nghiên cứu cách trồng cây đậu nành trên vũ trụ tại Mỹ. Sau đó, Thầy bén duyên với giáo dục và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu STEAM/STEM. Thầy đã làm cố vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học và giảng viên, góp phần đưa phương pháp học tập này vào chương trình giáo dục mới mà Việt Nam hiện nay đang áp dụng. 

Giáo dục STEAM hướng đến phát triển nguồn nhân lực cần thiết cho thế kỷ 21, khi mà khối lượng kiến thức mới luôn được cập nhật liên tục. Phương pháp này giúp người học tiếp cận liên ngành, từ đó áp dụng và giải quyết các vấn đề thực tế dựa trên ba trụ cột chính: Kiến thức chuyên môn (Core ideas), Thực hành (Practice) và Liên ngành (Crosscutting). 

Theo quan điểm của giáo dục STEAM, bản chất của việc học là một quá trình nhận thức, học từ quá trình quan sát tự nhiên và chuyển đổi sang kiến thức, học thuyết nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn. Việc học chỉ xảy ra khi con người được trải nghiệm. Mục tiêu của việc học là học để biết thực hành, biết áp dụng vào cuộc sống. 

TS. Huỳnh Bá Lân chia sẻ: “Giáo dục STEAM là một lĩnh vực nghiên cứu rất thú vị. STEAM mang lại nhiều cơ hội, từ việc làm tốt sau khi ra trường, thu nhập cao, đến nhiều cơ hội tiến xa hơn trong tương lai”, đồng thời Thầy cũng hy vọng Thầy Hải sẽ hỗ trợ UMT trong thời gian tới để ứng dụng hiệu quả STEAM.

Trong suốt buổi trao đổi, các lãnh đạo Nhà trường cũng đã có nhiều tâm tư gửi gắm đến sinh viên UMT, chia sẻ định hướng ứng dụng STEAM vào phương pháp dạy và học tại Trường; đồng thời cùng TS. Nguyễn Thành Hải đưa ra nhiều vấn đề và giải pháp để nâng cao trải nghiệm của sinh viên UMT, giúp các bạn trở thành công dân toàn cầu, hạnh phúc và thành công trong tương lai. 

Chương trình đào tạo của Trường Đại học UMT cũng bao gồm các môn Khai phóng, giúp nâng cao kiến thức xã hội, tư duy sáng tạo và khả năng liên ngành của sinh viên. Giáo dục STEAM là một phương pháp vô cùng phù hợp với định hướng của Nhà trường, hướng đến mục tiêu đào tạo một thế hệ trẻ nhiệt huyết, tài năng, phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội và có thể mang đến giá trị cho cộng đồng. 

Tin: Hoài Giang - SV ngành QTKD

Ảnh: Gia Huy - SV ngành TTĐPT