Là môn học liên ngành, giúp sinh viên phát huy khả năng: Lắng nghe và khám phá âm thanh; Phân biệt các thể loại âm nhạc khác nhau qua những tác phẩm nổi tiếng từ cổ điển đến đương đại; Tìm hiểu và phân biệt được âm sắc của nhiều loại nhạc cụ (Việt Nam - Châu Á - Phương Tây…) và các loại giọng hát khác nhau; “Bắt chước” cao độ và nhịp điệu với giọng hát, vận động cơ thể và kết hợp với “tiết tấu cơ thể”; Nhận biết các ký hiệu và thuật ngữ âm nhạc; Sáng tạo và ngẫu hứng không giới hạn qua các tác phẩm âm nhạc, kết hợp với “trò chơi âm nhạc tích hợp” để khám phá những điều kỳ diệu của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.
Môn học Cảm thụ âm nhạc được hướng dẫn bởi Nhạc trưởng - NSƯT Hoàng Điệp. Với mong muốn lan tỏa những giai điệu tâm hồn, cô luôn tâm huyết trong từng buổi học, mang lại nhiều điềuthú vị và truyền cảm hứng đến với các bạn sinh viên.
UMTers được cùng nhau thưởng thức những giai điệu nổi tiếng với từng loại nhạc cụ của các quốc gia như: “Vũ hội muôn loài/ Le Carnaval des Animaux/The Carnival of the Animals”, “The Four Seasons – Vivaldi”... và chia sẻ cảm nhận của bản thân.
Sinh viên UMT được thưởng thức các tác phẩm Body Percussion nổi tiếng: 5 ème Symphonie de Beethoven- Body Tap - Choeur des Colibris, Sound of Music | Central Station Antwerp (Belgium), Body Percussion for Waltz n 2… Trong từng buổi học, các bạn đều được giảng viên hướng dẫn một đoạn Body Percussion và các nhạc cụ đặc biệt như “Sound Bellow Instrument”, “Boomwhacker Instrument”, “Handchimes Instrument”… giúp tăng khả năng tiếp thu và sáng tạo, tự tin hơn khi làm quen với nhịp điệu, tiết tấu và sự vận động của âm nhạc.
Ngoài ra, UMTers còn được hướng dẫn các trò chơi Team Building với nhịp điệu cơ thể, giúp các bạn có thể hòa nhập tốt với văn hóa nước bạn.
Tham gia môn Cảm thụ âm nhạc, UMTers được chơi với âm nhạc bằng các vật dụng Handmade, tái sử dụng đồ nhựa hoặc được cô mang đến để trải nghiệm như Cup Songs, Rainbow Music Bells...
Đề bài cuối kỳ của sinh viên Khóa 1 được cô hướng dẫn sử dụng kết hợp các vật dụng thường ngày này để tạo lên một bài nhạc hoàn chỉnh. Qua đó, UMTers hiểu được sự khó khăn và tài năng của người làm nhạc trong một dàn hợp xướng.
Nhằm giúp sinh viên hiểu hơn về âm nhạc, về cội nguồn dân tộc, trong môn học có giới thiệu các loại nhạc cụ Việt Nam như: đàn Bầu, đàn Tranh, đàn Nguyệt, Sáo - Tiêu, đàn Tỳ bà, đàn Nhị/Cò… các loại nhạc cụ của châu Á - Đông Nam Á có “họ hàng” với các loại nhạc cụ của Việt Nam như: Đàn Guzheng, Pipa, Sáo trúc…
Các bạn sẽ được nghe thanh âm của từng loại nhạc cụ và cách chúng được sử dụng trong một tác phẩm âm nhạc.
Trong học phần này, UMTers được tìm hiểu về các loại giọng hát dựa theo đặc tính của giọng hát trong Âm nhạc cổ điển châu Âu như: âm sắc (Timbre), âm vực (Vocal Range), độ dày của giọng (Vocal Weight), âm cữ (Tessitura) và điểm chuyển giọng (Vocal Transition Points).
Các thể loại nhạc Pop, Rock, Blues, Jazz... khái niệm về hợp xướng, các loại nhạc cụ và vị trí của từng loại trong dàn nhạc giao hưởng phương Tây cũng được cô truyền thụ.
Phan Huỳnh Hoài Giang - Sinh viên ngành QTKD: "Trước khi học môn Cảm thụ âm nhạc tại UMT, mình từng nghĩ phải có Piano, Guitar… mới có thể gọi là học nhạc. Tuy nhiên, cô Điệp đã đem đến cho mình một cách suy nghĩ mới về âm nhạc. Mình nhận ra, âm nhạc có thể đến từ tất cả mọi thứ xung quanh, từ lá cây, chai nhựa hoặc thậm chí là từ cơ thể chúng ta. Mình hiểu được nhịp điệu cơ thể, tự tin hơn khi được đứng trước lớp để hát, để chơi nhạc và giao lưu với bạn bè về âm nhạc".