Ngày đăng: 14/07/2023

Đối với các bạn sĩ tử 2k6, chỉ còn chưa đến một năm nữa thôi là kỳ xét tuyển đại học sẽ diễn ra. Một năm không phải quá ngắn nhưng cũng không phải quá dài, chính vì vậy các bạn cần có cho mình chiến thuật học và kế hoạch ôn thi đại học thật hiệu quả nhé! UMT sẽ đồng hành cùng bạn ngay từ bây giờ.

Xác định mục tiêu cụ thể

Ngay từ bây giờ, các bạn hãy lấy giấy ra và viết câu trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Bạn thích học ngành gì?
  • Bạn dự định thi tổ hợp môn nào?
  • Bạn dự định học trường đại học nào?
  • Số điểm mà bạn hy vọng là bao nhiêu?

Sau khi trả lời được các câu hỏi này, bạn đã có cho mình một mục tiêu để hướng đến. Việc cần thực hiện tiếp theo đó là xây dựng cho bản thân một kế hoạch thật chi tiết và cụ thể.

Kế hoạch ôn thi đạt kết quả cao

Đây là lộ trình tham khảo mà sĩ tử có thể xem qua. Thông qua lộ trình này, các bạn có thể có những điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân để đạt được kết quả cao nhất.

Giai đoạn 1 – Trau dồi kiến thức nền tảng

Đây là giai đoạn tương đối quan trọng trong quá trình ôn thi, bởi lẽ quyết định kết quả của các giai đoạn sau này. Kiến thức nền tảng có vững chắc thì việc học kiến thức nâng cao mới thực sự đạt hiệu quả.

  • Mục tiêu: Nắm vững được kiến thức nền tảng cần thiết cho kỳ thi.
  • Kiến thức: Toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa, bao gồm các định nghĩa, định lý, công thức… thường gặp.
  • Thời gian: Khoảng thời gian khuyến nghị để hoàn thành giai đoạn này là trước khi hết học kỳ 1 của lớp 12. Bởi vì sau đó sẽ là khoảng thời gian ôn tập cũng như học những chuyên đề nâng cao và luyện đề.
  • Phương pháp: Hiểu rõ cội nguồn gốc rễ của vấn đề, nắm chắc kiến thức. Các bạn có thể hệ thống lại kiến thức đã học bằng sơ đồ để có thể ôn tập một cách dễ dàng. Tuyệt đối không nên "đốt cháy" giai đoạn quan trọng này.

Giai đoạn 2 – Học các chuyên đề nâng cao

Nếu chỉ dừng lại ở giai đoạn 1, bạn chỉ có thể giải được những câu ở mức độ Nhận biết – Thông hiểu trong đề thi. Sau khi tiếp cận các chuyên đề nâng cao, bạn có thể vận dụng được tư duy và kỹ năng để giải quyết các câu hỏi Vận dụng, thậm chí là Vận dụng cao trong đề:

  • Mục tiêu: Có thể giải quyết được từ 65 – 80% câu hỏi trong đề thi.
  • Kiến thức: Kiến thức và kỹ năng giải các dạng bài theo chuyên đề (từng chương trong sách giáo khoa). Các chuyên đề này bạn có thể tham khảo từ thầy cô hoặc Internet.
  • Thời gian: Khoảng 3 - 4 tháng sau khi đã có kiến thức nền tảng (hoặc bạn cũng có thể kết hợp song song giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đối với từng đơn vị kiến thức).
  • Phương pháp: Đào sâu kiến thức đã học ở giai đoạn 1; tham khảo đề thi chính thức các năm hoặc đề thi thử của các tỉnh/thành phố khác nhau để có góc nhìn toàn diện về các dạng bài thường gặp. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này bạn cũng cần phải ôn lại những kiến thức đã học ở giai đoạn 1 để có thể vận dụng một cách tốt nhất.

Giai đoạn 3 – Luyện đề và tối ưu điểm số

Đây là giai đoạn không kém phần quan trọng trong quá trình ôn thi. Giai đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự nỗ lực và quyết tâm qua từng đề thi:

  • Mục tiêu: Giải quyết được hầu hết các dạng bài trong đề thi.
  • Kiến thức: Kiến thức đã học từ giai đoạn 1 và 2, kèm theo đó là những kinh nghiệm đúc kết được sau mỗi đề mà các bạn giải qua.
  • Thời gian: Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1, 2 tới trước lúc tham gia kỳ thi.
  • Phương pháp: Luyện đề dưới áp lực thời gian như thời gian thi thật. Sau mỗi đề thi, các bạn tổng kết và ghi chú lại những lỗi sai để rút kinh nghiệm cho lần sau cũng như ghi chú phương pháp giải mà các bạn nghĩ là hữu ích. Các bạn cũng có thể thống kê số câu đúng qua từng đề thi để có cái nhìn tổng quát về năng lực của bản thân.

Một số lưu ý

Các bạn nên học tập và ôn luyện theo kế hoạch đã vạch ra. Bên cạnh đó, cần học một cách chủ động, khi đó mới có thể rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả của quá trình ôn luyện.
Bên cạnh việc chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT, cũng cần chú ý đến một số phương thức xét tuyển đại học khác, điều này giúp các bạn có thể gia tăng cơ hội trúng tuyển như xét điểm Học bạ, điểm thi Đánh giá năng lực,…

Ngoài ra, sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL (tiếng Anh); HSK (tiếng Trung); hay JLPT (tiếng Nhật) để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học cũng đang là xu hướng trong thời gian gần đây. 
Hy vọng thông qua bài viết này của UMT, các bạn sĩ tử 2k6 đã bỏ túi cho bản thân những thông tin bổ ích để có thể xây dựng cho mình một kế hoạch ôn thi đại học phù hợp và hiệu quả nhất.

Có thể bạn muốn xem

ÔN THI THPT QUỐC GIA 2024 SAO CHO HIỆU QUẢ?

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng trước khi hoàn toàn chuyển sang chương trình mới. Chính vì vậy, đối với những bạn chưa biết được bản thân cần có kế hoạch ôn thi Tốt nghiệp THPT (hay còn gọi là ôn thi THPT Quốc gia) như thế nào cho hiệu quả thì bài viết này dành cho bạn nhé!

CHUẨN BỊ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ, SẴN SÀNG TRỞ THÀNH TÂN SINH VIÊN

Trong học tập, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều muốn đạt được kết quả cao nhất có thể. Để làm được điều đó, bạn cần có phương pháp cụ thể, đặc biệt với những bạn sắp trở thành tân sinh viên có nhiều thay đổi trong việc dạy và học. Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm được phương pháp học tập hiệu quả cho riêng mình.

CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG: KHÁM PHÁ VÀ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LẬP KẾ HOẠCH

Kỹ năng lập kế hoạch là kỹ năng quan trọng trong cuộc sống và càng cần thiết hơn trong môi trường đại học, nơi mà sinh viên phải đối mặt với nhiều mục tiêu học tập, phát triển sự nghiệp. Hãy cùng UMT khám phá tầm quan trọng của kỹ năng lập kế hoạch và cách áp dụng trong môi trường đại học thông qua bài viết này nhé!