Cuộc sống của mỗi con người là một chặng đường dài với rất nhiều ngã rẽ. Trên hành trình ấy, mỗi người sẽ cần đưa ra những quyết định của riêng mình và tiếp tục tiến bước. Mỗi sự lựa chọn trong lĩnh vực sự nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này của mỗi người. Bài viết này của UMT sẽ chia sẻ đến các bạn những lời khuyên hữu ích về định hướng nghề nghiệp bản thân một cách đúng đắn.
Định hướng nghề nghiệp được hiểu là việc mà cá nhân mỗi người tự đặt ra những lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Những lựa chọn này cần đảm bảo phù hợp với sở thích, khả năng, tính cách, điều kiện gia đình,… và các yếu tố khác liên quan đến từng nghề nghiệp cụ thể như cơ hội việc làm, mức thu nhập.
Vì nghề nghiệp là một dạng hoạt động sẽ gắn con người cả đời nên đối tượng cần định hướng nghề nghiệp bản thân cũng rất đa dạng về lứa tuổi, trình độ, kinh nghiệm và hoàn cảnh xã hội. Đối tượng cần định hướng nghề nghiệp bản thân có thể là học sinh THPT, sinh viên đại học, người đang tìm việc làm chưa có kinh nghiệm hay đã có kinh nghiệm và thậm chí là những người đã có một số thành công nhất định trong sự nghiệp.
Mặc dù hầu hết mọi người đều biết hướng nghiệp là một điều cần thiết nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được tầm quan trọng của nó. Theo INDEC, việc định hướng nghề nghiệp sẽ đem lại những giá trị vô cùng to lớn:
Định hướng nghề nghiệp sẽ giúp bạn được làm công việc phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, từ đó sẽ giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống về khía cạnh vật chất và cả tinh thần. Quyết định nghề nghiệp sai lầm sẽ làm cho bạn cảm thấy chán nản, bế tắc, bất lực và mất niềm tin vào chính mình.
Việc hướng nghiệp một cách chính xác ngay từ đầu sẽ giúp bạn chạm đến thành công nhanh hơn vì công việc bạn làm nằm đúng sở trường và đam mê của mình.
Định hướng nghề nghiệp đúng giảm thiểu nguy cơ bỏ nghề, làm trái nghề, làm nhiều nghề khác nhau hay thất nghiệp.
Có định hướng nghề nghiệp bản thân đúng đắn, bạn sẽ có thể lên kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Bạn biết rõ mình cần phát triển những gì, từ đó tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc đầu tư vào việc học các khóa học hay những ngành nghề không phù hợp.
Mỗi cá nhân đều sở hữu những nét đặc trưng và ưu khuyết điểm riêng. Vì thế, việc định hướng nghề nghiệp đầu tiên cần phải xuất phát từ tài năng, sở thích và thiên hướng của bản thân mỗi người. Khi dựa trên bản thân mình để định hướng nghề nghiệp, bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống , đồng thời thỏa mãn được khát khao của chính mình.
Được làm công việc đúng với sở trường và khuynh hướng phát triển của bản thân cũng giúp bạn lĩnh hội kiến thức một cách nhanh chóng và hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Việc miễn cưỡng bản thân theo đuổi nghề nghiệp không phù hợp với mình cũng giống như người bơi ngược dòng, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng, mất sức và chịu áp lực lớn khi làm việc.
Mỗi ngành nghề khác nhau sẽ yêu cầu bạn phải có các kỹ năng và năng lực riêng biệt. Do đó, sau khi đã xác định được năng lực và thiên hướng của bản thân, bạn nên liệt kê ra những nghề nghiệp phù hợp với bản thân, từ đó xem xét, cân nhắc thật kỹ để nhận ra đâu chính là nghề nghiệp mà bạn thực sự muốn làm.
Khi lựa chọn ngành học và công việc, những hứa hẹn về tài chính mà ngành nghề mang lại luôn là vấn đề được xem xét kỹ lưỡng. Sau khi đã xác định được công việc phù hợp với thiên hướng của bản thân, bạn cần phải tìm hiểu xem nguồn thu nhập đến từ công việc ấy có đáp ứng được kỳ vọng của mình không? Suy cho cùng, tiền bạc không chỉ giúp giải quyết được nhu cầu cơ bản nhất của đời sống mà nó còn là yếu tố kích thích khả năng làm việc của con người.
Xã hội đang phát triển nhanh chóng và không ngừng thay đổi từng ngày. Vì thế, ngoài việc quan sát bản thân, việc định hướng nghề nghiệp còn phải dựa vào xu hướng phát triển của thị trường việc làm. Khả năng nắm bắt xu hướng việc làm nhanh nhạy sẽ giúp bạn có thể tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm tốt hơn và có khả năng thăng tiến cao trong tương lai. Nhiều sinh viên sau khi học đại học đã nhận ra bản thân không phù hợp với chuyên ngành hiện tại, muốn chuyển hướng sang lĩnh vực mới phù hợp hơn, tuy nhiên vẫn đắn đo và thiếu định hướng về lộ trình phát triển mới.
Bên cạnh đó, đối với các bạn học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp đại học, chắc chắn kết quả điểm thi vẫn còn để lại nhiều cảm xúc khó tả. Có những bạn đã đậu vào trường, vào ngành học như nguyện vọng, nhưng cũng có bạn mặc dù đậu đại học nhưng không phải chuyên ngành ưu tiên mà mình mong muốn. Hay cũng có nhiều bạn đạt điểm cao nhưng chưa có chiến lược nộp hồ sơ phù hợp nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trúng tuyển đại học. Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào, các bạn hãy cố gắng suy nghĩ một cách tích cực, tìm những giải pháp và lộ trình phù hợp hơn trong giai đoạn này.
Học đại học tại Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, nhưng không nhất thiết là lựa chọn duy nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể theo học các chương trình đào tạo dạy nghề hay du học tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới, tạo cho bản thân cơ hội để vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Vượt qua định hướng nghề nghiệp của gia đình và không chạy theo trào lưu
Có rất nhiều bạn trẻ chịu ảnh hưởng từ các định hướng nghề nghiệp của bố mẹ và người thân. Mặc dù lời khuyên của người đi trước rất đáng quý, tuy nhiên bạn cần nhận thức rõ về mong muốn của bản thân và nhìn nhận ý kiến của người thân trong gia đình ở góc độ khách quan nhất. Nếu nhận thấy các định hướng này không phù hợp với mình, bạn cần kiên định với quan điểm của bản thân.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh trường hợp lựa chọn nghề nghiệp bản thân dựa trên tâm lý đám đông, thấy nghề nào đang “hot” hay dễ kiếm tiền thì chạy theo nghề ấy một cách bất chấp dù bản thân không phù hợp. Bạn cũng tuyệt đối không nên chọn nghề bằng các phương pháp thần bí như xem tướng, xem bói chỉ tay, chữ viết hoặc chiêm tinh.
Người xưa vẫn có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, việc định hướng nghề nghiệp bản thân chỉ chính xác khi bạn lấy chính mình làm trung tâm và dành thời gian để tìm hiểu tính cách và tư duy của bản thân.
Hiện nay, có nhiều cách để bạn có thể hiểu rõ hơn về con người mình như làm trắc nghiệm DISC, Myers-Briggs hay viết nhật ký hàng ngày. Bạn cũng có thể thực hiện ghi chép ngắn gọn về việc bạn là ai, với các câu hỏi dẫn dắt sau đây:
Thế mạnh và tài năng của bạn là gì?
Bạn cảm thấy hài lòng với những hoạt động nào nhất?
Những hoạt động tinh thần nào có thể thúc đẩy bạn tiếp tục tiến về phía trước?
Bạn hãy suy nghĩ về mọi nghề nghiệp mà bạn cảm thấy phù hợp với sở thích và tài năng của mình. Trong từng ngành nghề đó, bạn cần tìm hiểu những thông tin cụ thể như sau:
Tên nghề và các nghề nghiệp khác có liên quan trong cùng lĩnh vực.
Nhu cầu nhân sự đối với nghề nghiệp đó trên thị trường lao động.
Các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để theo nghề lâu dài.
Nội dung và mục tiêu đào tạo của nghề nghiệp là gì?
Các tổ chức hiện đang đào tạo nghề, học phí học nghề và phương pháp, thời gian đào tạo bao lâu?
Những nơi có thể tìm việc sau khi hoàn thành chương trình học.
Xác định xem bạn có năng lực và kỹ năng nào phù hợp với nghề.
Bạn cần tạo ra một danh sách các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp mà bạn mong muốn được làm, sau khi đã tìm hiểu về nhiều ngành nghề trong xã hội. Như việc bạn thích một công việc có thể giao tiếp với nhiều người hay một công việc thiên về nghiên cứu; bạn thích môi trường làm việc chuyên nghiệp hay năng động, mức lương mong muốn cho công việc mình làm là bao nhiêu… Càng liệt kê được nhiều câu hỏi và sau đó tự trả lời, bạn sẽ càng khám phá rõ hơn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Trên thực tế, những người thành công chỉ vận dụng 25% kiến thức chuyên môn vào trong công việc, 75% còn lại là dựa vào kỹ năng mềm mà họ đã học hỏi và rèn luyện được. Vì thế, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, bạn cần bổ sung, rèn luyện thêm những kỹ năng mềm hữu ích.
Hiện nay, có rất nhiều khóa học kỹ năng tại các trung tâm, câu lạc bộ, các trường đại học,… mà bạn có thể đăng ký tham gia. Khi dành thời gian để học tập, rèn luyện và nghiên cứu về một kỹ năng, bạn sẽ càng định hướng nghề nghiệp bản thân chính xác và rõ ràng hơn nữa.
Phương pháp tốt nhất để biết bản thân có phù hợp với nghề nghiệp nào đó không chính là để tự bản thân trải nghiệm. Ngay từ khi còn là sinh viên, bạn nên tìm cơ hội làm các công việc mình quan tâm để có thể hiểu rõ hơn về nghề nghiệp đó và nhận định xem bản thân có phù hợp với nghề hay không.
Trên đây là bài viết UMT đã chia sẻ đến các bạn cách để định hướng nghề nghiệp bản thân. Hy vọng các bạn có thể áp dụng và lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình nhất.