VÒNG CHUNG KẾT CUỘC THI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN UMT LẦN 1, NĂM 2024

Ngày đăng: 09/09/2024

Vừa qua, các bạn sinh viên UMTers đã có cơ hội thực hiện những nghiên cứu đầu tay của mình thông qua cuộc thi Nghiên cứu Khoa học sinh viên UMT lần 1, năm 2024 do Khoa Kinh doanh tổ chức. Cuộc thi không chỉ là dịp để các bạn thể hiện khả năng nghiên cứu, mà còn là cơ hội quý báu để lắng nghe những phản hồi và đóng góp giá trị từ giảng viên là các chuyên gia đầu ngành.

Vòng Chung kết Cuộc thi đã diễn ra thành công vào 2 ngày: 30/8/2024 và 6/9/22024 với sự góp mặt của Ban Giám khảo gồm TS. Tiết Tòng Tuyền - Phó Trưởng Bộ môn Quản trị kinh doanh, TS. Nguyễn Phúc Lam Thy - Phó Trưởng Bộ môn Tài chính Kế toán, ThS. Phạm Thị Thanh Thủy - Giảng viên Marketing, ThS. Ngô Mạnh Duy - Giảng viên khoa Kinh doanh cùng nhiều thầy cô giảng viên và các bạn sinh viên. 

Ngày thi thứ nhất:

Ngày thi thứ nhất được tổ sớm vào ngày 30/8/2024, dành cho các bạn sinh viên Khóa 2 bảo vệ đề tài trước khi bắt đầu Học kỳ Quân sự, với hai đề tài được trình bày: 

  • Đề tài 1 (nhóm sinh viên Đặng Phúc An Khang, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Lê Đăng Khoa, Nguyễn Cao Bách): UMT CONVERSA - Phát triển chatbot hỗ trợ sinh viên UMT trong môi trường giáo dục hiện đại sử dụng AI. 

Trong thời đại công nghệ AI, đặc biệt là GenAI (AI tạo sinh) ngày càng phát triển, việc tìm kiếm thông tin ngày càng dễ dàng hơn thông qua các chatbot nổi tiếng như Chat GPT, Google Gemini... Song, câu trả lời từ các chatbot nói trên thông thường sẽ gặp phải hiện tượng “Hallucination” (tạm dịch là “ảo giác”) khi được hỏi nhiều câu hỏi chuyên biệt về một chủ đề nào đó.

Chính vì vậy, với sự kết hợp giữa RAG (Retrieval-Augmented Generation - Kỹ thuật tối ưu hóa truy xuất) và LLMs (Large Language Models - Các mô hình ngôn ngữ lớn), ứng dụng chatbot mà nhóm nghiên cứu và phát triển mong muốn trước hết sẽ áp dụng tại UMT trong việc hỏi - đáp các thông tin liên quan về Trường, nhằm tối ưu thời gian, mang lại hiệu quả cao và đặc biệt là tính chính xác trong việc giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên. 

  • Đề tài 2 (nhóm sinh viên Lê Thị Diễm My, Nguyễn Trà An, Võ Nguyễn Huy Hoàng, Huỳnh Hồng Ngọc, Ngô Thị Thảo Vi): Ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội TikTok đến sự tập trung và cảm xúc của thanh thiếu niên hiện nay. 

Đề tài có một điểm mới khi nghiên cứu về TikTok, nền tảng chưa được nghiên cứu nhiều trước đó so với các nền tảng mạng xã hội khác. Thông qua các nghiên cứu trên thế giới, cùng với nghiên cứu và khảo sát của nhóm nghiên cứu trong thời gian vừa qua, đề tài đã mang đến những so sánh, nhận định và kết luận về tầm ảnh hưởng của thời gian dùng TikTok đối với việc duy trì sự tập trung trong học tập và công việc, cũng như khả năng điều tiết cảm xúc của nhiều người ở độ tuổi khác nhau, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.  

Phần trình bày của thí sinh cho thấy sự đầu tư bài bản và sáng tạo trong quá trình nghiên cứu đề tài mà các bạn đã chọn. Ban Giám khảo đã có những nhận xét, góp ý về mặt ý tưởng, quá trình nghiên cứu và định hướng mở rộng để các bạn có thể phát triển đề tài nghiên cứu cho những cuộc thi khác trong tương lai. TS. Tiết Tòng Tuyền chia sẻ: “Mặc dù chỉ mới là sinh viên năm nhất, triển khai nghiên cứu trong khoảng thời gian không quá dài, nhưng các bạn đã cho thấy được sự nỗ lực, nhạy bén cũng như khả năng học hỏi cao. Thầy rất vui và hy vọng các bạn sẽ duy trì những điều này khi có cơ hội góp mặt ở những đấu trường lớn trong tương lai gần”.  

Ngày thi thứ 2:

Buổi thi thứ hai vào ngày 6/9/2024, với 8 đề tài từ sinh viên Khóa 1 đã mang đến những màn trình bày đầy ấn tượng và sáng tạo. Các bạn đã nỗ lực hết mình để trình bày nghiên cứu, lập luận chặt chẽ và giải thích rõ ràng những câu hỏi từ Ban Giám khảo. Đề tài nghiên cứu phong phú, trải dài nhiều lĩnh vực, mang đến góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội và kinh tế hiện nay.

  • Đề tài 1 (nhóm sinh viên Trần Lê Anh Thư, Lâm Tường Khánh Duyên, Ngô Hải Nam, Ngô Huỳnh Yến Như): Rào cản của chế độ ăn tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu tập trung vào việc xác định những yếu tố cản trở người tiêu dùng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố tâm lý, xã hội và môi trường ảnh hưởng đến hành vi ăn uống lành mạnh, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng gặp phải các thách thức như sự phổ biến của thức ăn nhanh, lối sống bận rộn, sự thiếu hụt kiến thức dinh dưỡng.

  • Đề tài 2 (nhóm sinh viên Võ Thị Ngọc Hân, Huỳnh Như Ý, Lưu Huệ Mẫn, Trần Ngọc Đan Thùy): Ảnh hưởng của các nhân tố xã hội đến sản phẩm Skincare thuần chay.

Nghiên cứu phân tích tác động của các yếu tố xã hội đến quyết định mua mỹ phẩm thuần chay của phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi tại TP.HCM. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của các yếu tố như thói quen, ảnh hưởng xã hội (social influence), nhận thức về sức khỏe và môi trường, chính sách của chính phủ và các chiến dịch marketing. Các yếu tố này góp phần định hình hành vi tiêu dùng và quyết định mua hàng của phụ nữ. Ngoài ra, nghiên cứu còn đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh và gia tăng nhận thức về lối sống bền vững trong xã hội.

  • Đề tài 3 (nhóm sinh viên Trần Lê Anh Bằng, Tạ Duy Minh, Phạm Gia Bảo): Tác động của các phương pháp định giá đến hành vi khách hàng trong thị trường Thương mại điện tử.

Đề tài tập trung vào việc nghiên cứu tác động của các phương pháp định giá đến hành vi tiêu dùng của Gen Z trong thị trường thương mại điện tử (e-commerce) tại Việt Nam. Mục tiêu chính của nghiên cứu là phân tích cách mà các phương pháp định giá khác nhau như Penetration Pricing (định giá thâm nhập), Skimming Pricing (định giá hớt váng), Psychological Pricing (định giá tâm lý) và Dynamic Pricing (định giá động) ảnh hưởng đến sự nhận thức giá trị sản phẩm, lòng trung thành thương hiệu và quyết định mua hàng của khách hàng Gen Z​.

  • Đề tài 4 (nhóm sinh viên Trần Thị Ngọc Ánh, Trần Thị Hạnh Đoan, Trương Nhã Quỳnh, Trần Đại Phúc): Nghiên cứu tác động của công nghệ Deepfake lên niềm tin của giới trẻ về cộng đồng.

Nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá tác động của công nghệ Deepfake đối với niềm tin của giới trẻ tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thông tin số và truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Deepfake là một công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video giả mạo, khiến việc phân biệt thông tin thật và giả trở nên khó khăn. Sự phát triển của Deepfake đã dấy lên những lo ngại về niềm tin cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 25. 

  • Đề tài 5 (nhóm sinh viên Nguyễn Khánh Nam, Dương Tiến Thành, Huỳnh Đăng Khoa, Hồ Quốc Minh): Tác động của tội phạm công nghệ cao đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích những tác động tiêu cực của tội phạm công nghệ cao đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Các loại tấn công phổ biến như tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), mã độc tống tiền (Ransomware), đánh cắp dữ liệu đã và đang gây ra những thiệt hại lớn về tài chính, mất mát dữ liệu, suy giảm uy tín của các doanh nghiệp.

  • Đề tài 6 (nhóm sinh viên Nguyễn Hoàng Phúc, Dư Huỳnh Long, Bùi Đoàn Quốc Việt, Huỳnh Phan Hoài Giang): Tác động của quy định môi trường đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các quy định về môi trường, thông qua việc tổng hợp từ nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác nhau. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định xem liệu các quy định môi trường nghiêm ngặt có cản trở hay thu hút FDI, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao.

  • Đề tài 7 (nhóm sinh viên Trần Đinh Tường Vy, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Hồ Vủ Đăng Khôi, Nguyễn Mai Lâm Đạt): Nghiên cứu thực trạng sử dụng thư viện của sinh viên Việt Nam: Một nghiên cứu ở Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM.

Nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng sử dụng thư viện của sinh viên tại Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ thư viện. Mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định các yếu tố như cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, tài liệu tham khảo và thái độ của nhân viên thư viện có tác động như thế nào đến mức độ hài lòng và tần suất sử dụng thư viện của sinh viên. 

  • Đề tài 8 (nhóm sinh viên Trương Phúc Khánh, Phạm Thị Bích Trâm, Nguyễn Phương Thảo): Cá cược thể thao: Đóng góp và tác động lên kinh tế Việt Nam.

Nội dung của nghiên cứu này phân tích tác động kinh tế của việc hợp pháp hóa cá cược thể thao, đặc biệt là bóng đá, lên nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu chính nhằm đánh giá các lợi ích kinh tế như tạo việc làm, tăng doanh thu thuế và thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan như du lịch, truyền thông. Nghiên cứu áp dụng các lý thuyết kinh tế, phân tích chi phí - lợi ích và xem xét hành vi người tiêu dùng để đề xuất chính sách phù hợp cho việc hợp pháp hóa cá cược thể thao tại Việt Nam.

Kết thúc hai buổi thi của Vòng Chung kết, các đề tài đã góp phần mang đến những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về các vấn đề kinh tế, xã hội và công nghệ. Mỗi nghiên cứu không chỉ phản ánh sự nỗ lực và sáng tạo của UMTers, mà còn thể hiện khả năng phân tích và giải quyết vấn đề một cách chặt chẽ, khoa học. Phản hồi từ Ban Giám khảo đã giúp các bạn rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho con đường nghiên cứu học thuật tương lai. 

Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các bạn thể hiện bản thân mà còn là bước đệm quan trọng để phát triển tư duy phản biện, năng lực nghiên cứu và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Chúng ta có thể kỳ vọng vào những nghiên cứu chất lượng hơn nữa từ các bạn sinh viên trong những năm tới, góp phần nâng cao giá trị của nghiên cứu khoa học tại UMT.

Tin: Vĩnh Tiến - SV ngành CNTT

Hoài Giang - SV ngành QTKD

Ảnh: Bích Ngọc - SV ngành TTĐPT

Duy Kha - SV ngành CNTT