Vừa qua, trong khuôn khổ học phần Quản trị đa văn hóa, Khoa Kinh doanh UMT hân hạnh mời Ông Nicolas Pierre Jallade - Giám đốc Dự án, Chuyên gia năng lượng sạch của Tập đoàn Artelia (Pháp) tại Việt Nam đến giao lưu và có buổi trò chuyện với sinh viên UMT về chuyên đề Quản trị đa văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các doanh nghiệp làm việc xuyên biên giới với nhân sự từ nhiều nền văn hóa. Vì thế, việc lãnh đạo và quản lý đội ngũ đến từ các quốc gia khác nhau trở nên rất quan trọng. Làm thế nào để hiểu, tôn trọng và thích nghi với sự khác biệt văn hóa, từ đó tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả được Diễn giả chia sẻ rất cụ thể qua kinh nghiệm thực tế quý giá từ chính bản thân ông.
Ông Nicolas Pierre Jallade - Giám đốc Dự án, Chuyên gia năng lượng sạch của Tập đoàn Artelia (Pháp) tại Việt Nam.
Qua quá trình tương tác với nhiều nhân sự người Việt, Nicolas Pierre Jallade nhận thấy nhiều sự khác biệt giữa người Pháp và người Việt trong công việc. Người Pháp thường đề cao tính chính thức, cá nhân hóa và tôn ti trật tự trong công việc. Họ thường thoải mái bày tỏ ý kiến hoặc phản đối với cấp trên nếu cảm thấy điều đó có thể cải thiện công việc. Nhân viên người Pháp ưu tiên giao tiếp một cách trực tiếp và rõ ràng, đánh giá cao sự tranh luận mang tính trí tuệ nhưng vẫn tôn trọng ranh giới cá nhân. Còn đối với người Việt, họ tôn trọng quyền lực và thâm niên trong nghề, thể hiện qua sự kính trọng với cấp trên. Người Việt thường có xu hướng giao tiếp gián tiếp, nhằm tránh xung đột và duy trì sự hài hòa, ví dụ như "Ý tưởng này rất thú vị, tuy nhiên...". Diễn giả còn nhận thấy rằng, người Việt có xu hướng e ngại khi giao tiếp với người nước ngoài, điều này cũng khiến ông rất trăn trở và dành nhiều thời gian để quan tâm, hỏi han nhân viên người Việt để họ thấy thân thuộc hơn.
Ngoài ra, Nicolas Pierre Jallade còn dành nhiều thời gian để nêu rõ những điểm khác biệt về thời gian, quy định… khi làm việc của hai quốc gia khác hẳn nhau này. Từ đó, ông đã đúc kết ra nhiều kinh nghiệm cụ thể khi kết nối trong môi trường đa văn hóa để chia sẻ cho UMTers. Cuối buổi, UMTers còn cùng Diễn giả giải case study về Quản trị đa văn hóa với sự hướng dẫn tận tình của ông, góp phần giúp các bạn dễ dàng gói ghém lại kiến thức của buổi trò chuyện này.
Buổi trò chuyện đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức bổ ích về Quản trị đa văn hóa, mở ra cơ hội để các bạn hiểu thêm về môi trường làm việc quốc tế. UMT hy vọng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động giao lưu như thế này, tăng cường kết nối với diễn giả nước ngoài để tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có thêm trải nghiệm quý giá và có sự chuẩn bị tốt hơn cho nghề nghiệp tương lai.
Tin: Hoài Giang - SV ngành QTKD
Ảnh: Đại Phúc - SV ngành KDQT