UMTERS GIAO LƯU CÙNG ĐOÀN PHIM “NGÀY XƯA CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH”, HÀO HỨNG TÌM HIỂU VỀ SẢN XUẤT PHIM VÀ TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN

Ngày đăng: 05/11/2024

HK Film và Đoàn phim “Ngày xưa có một chuyện tình” đã đến giao lưu và tổ chức Talkshow “Ngôn ngữ điện ảnh hay Ngôn ngữ tình yêu” tại UMT vào ngày 1/11/2024 vừa qua. UMTers đã có cơ hội được gặp mặt, trò chuyện và đặt câu hỏi với các thành viên đoàn làm phim, tìm hiểu về những câu chuyện hấp dẫn phía sau bộ phim điện ảnh này.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và Biên kịch Đỗ Hoa Trà là những người mở màn cho buổi Talkshow về quá trình thực hiện kịch bản. “Ngày xưa có một chuyện tình” là bộ phim điện ảnh mới ra mắt, được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên phát hành năm 2016 của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Để truyền tải được tất cả những giá trị mà Tác giả mang đến từ truyện ra màn ảnh là một thách thức không hề nhỏ, một số chi tiết khi đưa vào phim đã phải tinh giản hoặc lược bỏ, mặc dù chúng rất đắt giá. 

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi Đoàn phim của mình có cơ hội được gặp mặt các bạn sinh viên tại UMT. Hy vọng rằng chia sẻ của chúng tôi ngày hôm nay sẽ góp phần định hướng cho những dự định của các bạn trẻ trong tương lai”. 

Biên kịch Đỗ Hoa Trà cũng có những chia sẻ đầy chuyên môn về khó khăn, bất cập trong việc chuyển thể một tác phẩm văn học thành bộ phim điện ảnh mang màu sắc mới mẻ kết hợp với nét truyền thống cổ điển, cách sử dụng ngôn từ làm thế nào tiếp cận chân thực hơn đến thế hệ Gen Z, để từ đó có thể gợi nên một tình yêu tuổi học trò trong sáng, lãng mạn nhưng lại rất bi thương và lưu luyến. Tuy nhiên, từ khâu tìm và tái hiện bối cảnh cho đến điều chỉnh lời thoại của nhân vật đều được đầu tư rất chỉn chu và nghiên cứu kỹ lưỡng để không làm thay đổi quá nhiều đến nội dung chính của phim.

Quá trình casting diễn viên và hậu trường của phim là một trong những nội dung mà các bạn sinh viên tò mò khi tham dự Talkshow. Những điều này được dàn diễn viên của bộ phim kể lại với sự hào hứng, hài hước xen lẫn niềm tự hào. Diễn viên Ngọc Xuân, Rima Thanh Vy kể về câu chuyện casting với nhiều vòng lựa chọn khắc nghiệt để tìm ra 3 gương mặt vai chính: Vinh - Miền - Phúc. Quá trình này cũng được thể hiện trong đoạn video hậu trường được phát tại Talkshow ngay sau đó. Bên cạnh trải nghiệm cá nhân, họ cũng có một số lời khuyên dành cho các bạn sinh viên theo đuổi lĩnh vực Sản xuất truyền thông có mong ước trở thành diễn viên trong tương lai.

Câu chuyện về những ngày làm phim là phần khiến các bạn sinh viên hứng thú nhất. Diễn viên Avin Lu, Đỗ Nhật Hoàng, Nguyễn Sỹ Hậu đã chia sẻ về quãng thời gian quan trọng này, từ chuyện diễn viên phải bàn bạc với nhau để chỉnh sửa lời thoại sao cho dễ tiếp cận với khán giả, hay chuyện xưng hô bằng tên thật hay “anh - em”, cho đến câu chuyện diễn viên bị áp lực vì phải thể hiện khả năng đá bóng đỉnh cao dù bản thân không hề giỏi môn này… Tất cả đều được các anh chị diễn viên thoải mái chia sẻ, làm cho không khí buổi Talkshow trở nên gần gũi và vui vẻ hơn.

Q&A với khách mời cũng là phần sôi động nhất khi các bạn sinh viên, giảng viên, nhân viên UMT đã đưa ra khá nhiều câu hỏi hóc búa nhưng đầy thú vị cho đoàn phim, cũng như nhận được những phần quà đầy bất ngờ từ ê-kíp chính là những tấm vé xem phim “Ngày xưa có một chuyện tình” tại rạp CGV. 

Với những câu hỏi liên quan trực tiếp đến ngành Truyền thông đa phương tiện mà nhiều sinh viên UMT đang theo học, những chia sẻ đầy kinh nghiệm thực tiễn của các anh chị phần nào đã giúp buổi Talkshow tăng thêm tính chuyên môn và giúp UMTers có niềm đam mê làm phim được cọ xát, cảm nhận rộng mở hơn về thế giới điện ảnh Việt.

UMTers gửi tặng những chú gấu bông đáng yêu thay cho lời cảm ơn sâu sắc đến Đoàn phim "Ngày xưa có một chuyện tình".

Chương trình đã mang đến cho các bạn sinh viên UMT cơ hội được gặp mặt trực tiếp với những người đứng sau sản phẩm điện ảnh, tạo nguồn cảm hứng nghệ thuật, khiến cho mỗi bạn có thêm trải nghiệm về ngành Truyền thông đa phương tiện, từ đó khơi gợi tinh thần học tập nghiêm túc, chăm chỉ, sáng tạo để có thể thực hiện ước mơ của chính mình.

Tin và ảnh: CLB PIXEL STUDIUM