Với tinh thần giáo dục khai phóng, hệ sinh thái hợp tác quốc tế và doanh nghiệp toàn diện, UMT không chỉ là một ngôi trường đại học thành công, hạnh phúc, mà còn hướng đến các hoạt động cộng đồng, xã hội, phát triển tài năng trẻ, ươm mầm và chăm dưỡng thế hệ tương lai. Và UMT hân hạnh được đồng hành cùng Quả bóng vàng Việt Nam 2021 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.
7 giờ sáng 14-2, ngày Valentine, “nhóm hành động” của gala đã có mặt tại Nhà hát TPHCM để khảo sát địa điểm. Đây đã là lần thứ 8 trong lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam, gala trao giải được thực hiện tại địa điểm trang trọng này, nhưng ngay từ đầu ban tổ chức đã xác định đây là một kỳ trao giải đặc biệt nên cho dù có thân thuộc đến mấy vẫn phải được tiến hành một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, chặt chẽ đến từng khâu “như mới làm lần đầu”.
Đó cũng là lý do mà lần đầu tiên, Báo SGGP quyết định thành lập “nhóm hành động” chỉ cho riêng công tác tổ chức gala. Không giống như bất kỳ lễ trao giải nào trước đây, gala vào ngày 16-2 tới có sự gia tăng đáng kể về khối lượng công việc, thậm chí xuất hiện nhiều khâu được xếp vào hàng “không được phép sai sót”. Không gian tổ chức như cũ, thời gian diễn ra gala cũng phải nằm trong khung thời gian tiêu chuẩn một chương trình truyền hình trực tiếp của kênh VTV6 (Đài Truyền hình Việt Nam), trong khi đó tính chất quan trọng và ý nghĩa của buổi lễ lại “chưa từng thấy” khiến cho áp lực dành cho “nhóm hành động” là vô cùng lớn.
Đầu tiên, đó là sự xuất hiện của một hạng mục đặc biệt: tôn vinh 3 “ông thầy” Mai Đức Chung (bóng đá nữ), Park Hang-seo (bóng đá nam) và Phạm Minh Giang (futsal). Dù năm nay không trao giải “cầu thủ trẻ” và “cầu thủ ngoại” nhưng thời lượng dành cho những HLV nói trên sẽ phải nhiều hơn. Kế đến, các sự kiện lịch sử của bóng đá nữ, futsal cũng khiến cho những người viết kịch bản lễ trao giải phải cân đối thời gian để đưa thêm các chi tiết tôn vinh những sự kiện “lần đầu tiên trong lịch sử”.
Và cuối cùng, các quy định phòng dịch Covid-19 vẫn phải bảo đảm đủ, đúng quy trình. Năm ngoái, cũng vì dịch mà lễ trao giải phải giới hạn tối đa số lượng người tham dự, khuôn viên tổ chức tại Khách sạn Rex cũng khá khiêm tốn. Gala năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp nên công tác phòng dịch được xem là ưu tiên hàng đầu.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, VTV6 sẽ truyền hình trực tiếp sự kiện và cũng là lần thứ 2 liên tiếp, người sẽ “host” cho chương trình, nếu không có gì thay đổi là MC điển trai - nhà báo Quốc Khánh đến từ Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng điểm nhấn trên sân khấu có lẽ là vai trò của hoa hậu H’Hen Niê - khách mời đặc biệt của gala.
Sự xuất hiện của hoa hậu càng khiến cho câu chuyện vé mời của gala “nóng như lửa”. Sức chứa tối đa của Nhà hát TPHCM chỉ 400 ghế, nhưng gala năm nay chỉ phát hành hơn 300 vé mời để đảm bảo an toàn. Lượng fan đông đảo của hoa hậu H’Hen Niê có lẽ sẽ tạo ra một cột mốc mới về lượng người xem trên truyền hình trong lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2021 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tiếp tục nhận được sự đồng hành hỗ trợ về mặt chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); nhận được sự tài trợ chính của Công ty TNHH Thái Sơn Nam, cùng các nhà đồng tài trợ: Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FE Credit, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, VIVA LIFE, Vietnam Airlines, Công ty TNHH Kiến trúc xây dựng Đức Long, Khách sạn Rex, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM UMT, SEA Holdings, Sonkim Land, Him Lam Land, Tân Hiệp Phát, Café Ông Bầu...
(Theo báo Sài Gòn Giải phóng Thể thao online)