Ngày đăng: 26/07/2022

Ngoại trừ môn Sinh và môn tiếng Anh có đỉnh phổ điểm lệch nhẹ về bên trái, tất cả phổ điểm các môn năm 2022 đều nghiêng mạnh về bên phải như phổ điểm của năm 2020, 2021.

Điều này đã được dự đoán từ trước qua chủ trương của Bộ GD&ĐT phù hợp với chương trình giảm tải do tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến học tập của học sinh liên tục hai năm vừa qua.

"Mức độ phân hóa của phổ điểm tất cả các môn đều khá tốt, kể cả ở mức điểm cao, thuận lợi cho các trường khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT", TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên PGĐ Đại học Quốc gia TP.HCM, Cố vấn Hội đồng Trường Đại học UMT, cho biết.

Số điểm 10 giảm mạnh

Phổ điểm môn tiếng Anh năm nay có dạng phân bố ít kỳ dị hơn năm 2021 (có hai đỉnh chuông). Số điểm 10 của các môn thi giảm mạnh, chỉ còn 5.560 (trong đó môn giáo dục công dân chiếm phân nửa) so với 24.318 điểm 10 ở năm 2021. 

Gánh trên vai trách nhiệm vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT vừa dùng làm cơ sở cho các trường ĐH xét tuyển nên dù dạng phổ điểm lệch phải nhiều nhưng mức độ phân hóa của phổ điểm tất cả các môn đều khá tốt, kể cả ở mức điểm cao, vẫn thuận lợi cho các trường khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh sẽ tốt nghiệp nếu có điểm xét tốt nghiệp không dưới 5,0 và không có môn thi nào bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Tổng số điểm liệt ở các môn năm 2022 giảm còn 1.094 (so với 1.280 ở năm 2021 và 1.262 ở năm 2020), trong đó môn tiếng Anh chiếm gần phân nửa số điểm liệt. 

Với tình hình điểm trung bình lớp 12 vẫn được cho "rộng rãi" và điểm trung bình các môn thi đều cao, năm 2022 tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước và của từng địa phương sẽ được quyết định bởi điểm liệt nhiều hay ít.

Đến thời điểm này hàng loạt địa phương đã công bố tỉ lệ tốt nghiệp 2022 đạt cao nhất trong những năm gần đây và vượt mức 99%: Phú Thọ 99,71%, Hòa Bình 99,37%, Sóc Trăng 99,24%, Long An 99,6%, Bình Dương 99,7%... 

Như vậy tỉ lệ tốt nghiệp chung cả nước ở năm 2022 sẽ không thấp hơn năm 2020 và 2021 (trên 98%).

Năm 2022 là năm đầu tiên mà điểm trung bình tất cả các môn thi đều đạt mức trên 5,0. Điểm trung bình của năm môn thi toán, sinh, địa lý, ngoại ngữ, giáo dục công dân giảm nhẹ, trong đó môn sinh lần đầu tiên giữ vị trí đội sổ thay cho môn sử và môn ngoại ngữ. 

Có bốn môn tăng điểm trung bình so với năm 2021. Trong đó môn sử có bứt phá ngoạn mục với mức tăng lên đến gần 1,4 điểm và có số lượng điểm 10 chiếm 1/3 tổng số, chỉ sau môn giáo dục công dân.

Môn ngoại ngữ (chủ yếu là môn tiếng Anh) năm thứ hai liên tiếp tiếp tục có điểm trung bình môn thi vượt hơn 5, nhưng các tỉnh miền núi, biên giới vẫn có điểm trung bình ngoại ngữ thấp nhất. 

Chênh lệch điểm trung bình môn ngoại ngữ giữa địa phương có kết quả cao nhất (TP.HCM 6,4 điểm) với địa phương có kết quả thấp nhất (Hà Giang 3,79 điểm) lên đến 2,6 điểm, cho thấy việc nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông còn là một thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục.

 

Điểm xét đại học sẽ ra sao?

Xét tuyển ĐH vẫn là xu hướng chính của học sinh THPT. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số xấp xỉ 1 triệu học sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 có đến gần 93% học sinh sẽ tham gia xét tuyển vào các trường ĐH.

Với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2022 các trường vẫn chủ yếu xét tuyển theo tổ hợp các môn thi và dự đoán phần lớn thí sinh cũng đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp các môn của các khối thi truyền thống. Điểm trung bình các tổ hợp môn xét tuyển năm 2022 giảm trung bình 1 - 1,5 điểm so với năm 2021, ngoại trừ tổ hợp khối C (văn, sử, địa).

Hiện số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp ở năm 2022 chưa biết chính xác trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm khá nhiều (do phần lớn các trường dành nhiều chỉ tiêu hơn cho xét tuyển từ học bạ THPT và các phương thức khác).

Do đó, dự đoán tuy mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển có thể sẽ vẫn ở mức 14 - 15 điểm như phần lớn các trường ĐH ở năm 2021, nhưng điểm chuẩn trúng tuyển sẽ không thay đổi nhiều ở tất cả các tổ hợp môn xét tuyển, thậm chí có thể giảm nhẹ do số lượng thí sinh có tổng điểm thi 3 môn của tổ hợp xét tuyển từ 25 điểm trở lên giảm so với năm 2021.

----------------- 

Điểm trung bình giữa các địa phương có thu hẹp

Khoảng cách điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp năm nay giữa địa phương cao nhất (Nam Định 7,047) và địa phương thấp nhất (Hà Giang 5,617) có thu hẹp và vẫn cho thấy bức tranh về giáo dục và vùng miền cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng.

Độ vênh giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình lớp 12 vẫn cho thấy có sự chênh lệch khá cao ở nhiều địa phương, đặt ra nhiều vấn đề về nâng cao mức độ trung thực và chuẩn hóa trong đánh giá kết quả học tập lớp 12 của học sinh cũng như sử dụng kết quả này trong xét tuyển đại học.

(Theo Tuoitreonline)

Link: https://tuoitre.vn/tuyen-sinh-2022-diem-chuan-se-khong-thay-doi-nhieu-20220726081835987.htm