Ngày đăng: 12/10/2022

Để tiếp sức tân sinh viên, nhiều trường nỗ lực ra mắt các chính sách hỗ trợ, đặc biệt dành cho các bạn trẻ có tiềm năng phát triển. Trong đó, Trường Đại học UMT đã hợp tác với ngân hàng để hỗ trợ học phí, tặng laptop và triển khai quỹ học bổng trị giá đến 8 tỷ đồng dành tặng tân sinh viên.

 

Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học (ĐH) đồng loạt tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, nhiều trường ĐH công lập chuyển sang cơ chế tự chủ cũng tăng học phí lên gấp đôi, thậm chí gấp ba so với năm 2021-2022. Để tiếp sức tân sinh viên, nhiều trường nỗ lực ra mắt các chính sách hỗ trợ, đặc biệt dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hỗ trợ những sinh viên đặc biệt

Trong số gần 6.000 tân sinh viên trúng tuyển nhập học Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Tiên có hoàn cảnh rất đặc biệt khi cả bố và mẹ đều khiếm thị, mưu sinh bằng công việc bán vé số. Với trường hợp đặc biệt này, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, nhà trường đã xem xét và trao học bổng 100% học phí trong suốt 4 năm cho Cẩm Tiên. Cùng với đó, nhà trường tìm nguồn học bổng hỗ trợ thêm cho sinh viên này để em an tâm theo học suốt 4 năm. Ngoài những sinh viên đặc biệt, trường cũng có những suất học bổng hỗ trợ các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt, không để tân sinh viên nào trúng tuyển không thể nhập học vì không đủ tài chính.

Không cha, mất mẹ, từ nhỏ sống với người dì, thế nhưng em Phan Nguyễn Nguyên Trường (tỉnh Bến Tre) đã vượt qua nghịch cảnh và chính thức trở thành tân sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán của Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM. Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường, hiện em Trường và người dì cùng ở trọ tại TP Thủ Đức để theo học tại cơ sở của trường. Khi biết được hoàn cảnh của em, nhà trường đã quyết định miễn học phí suốt 4 năm học cho em. Bên cạnh đó, có mạnh thường quân đã hỗ trợ tiền nhà trọ hàng tháng cho 2 dì cháu. Ngoài ra, em cũng được hỗ trợ một máy tính trị giá 13 triệu đồng để thuận tiện trong việc học…

Trong khi đó, sinh viên Lê Trịnh Hoàng Trúc (trúng tuyển vào ngành Thú y, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) sống với mẹ từ nhỏ, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào việc buôn bán nhỏ của mẹ. Bản thân em bị dị tật bẩm sinh nên không thể đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ. Trước hoàn cảnh khó khăn này, Ban Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Sinh viên của nhà trường đã tiếp nhận và miễn lệ phí ký túc xá. Cùng với đó, nhà trường tìm nguồn hỗ trợ cho em chiếc xe lăn 3 bánh và tìm nguồn học bổng để giúp Hoàng Trúc vượt qua khó khăn, an tâm theo đuổi ước mơ thành bác sĩ thú y.

Trường ĐH Văn Hiến cũng vừa trao học bổng toàn khóa học và tặng máy tính cho hai sinh viên người dân tộc thiểu số trúng tuyển vào ngành Đông phương học. Hai sinh viên này đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, gia đình thuộc hộ nghèo và phải đi làm thêm từ lúc học phổ thông. Đặc biệt, nhà trường hỗ trợ 100% học phí cho sinh viên Nguyễn Thị Kim Thư (Cần Giờ, TPHCM) bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn nỗ lực và trúng tuyển vào ngành Du lịch. Kim Thư mồ côi cha mẹ từ lúc 2 tuổi, hiện đang ở với ông bà ngoại đã trên 70 tuổi…

Linh hoạt chính sách

Nhiều trường ĐH công lập tự chủ đã tăng học phí so với trước khi tự chủ, nhưng dành nhiều chính sách để hỗ trợ tân sinh viên. Ngoài việc miễn giảm theo quy định, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên khuyết tật, sinh viên thuộc diện chính sách còn được miễn, giảm học phí từ 50-100% (lấy từ nguồn quỹ trích 8% học phí để làm quỹ học bổng).

Năm 2022, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hiện tự chủ. PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm nay trường dành 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần cho các thí sinh trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các ngành này gồm: Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường. Ngoài ra, sinh viên học tập các ngành trên còn có nhiều cơ hội nhận học bổng từ doanh nghiệp và cựu sinh viên. Các học bổng này sẽ được duy trì suốt khóa học nếu sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt.

Tương tự, năm 2022, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) áp dụng mức học phí theo cơ chế tự chủ, trong đó một số ngành được ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí. Cụ thể, nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn có mức học phí từ 16-20 triệu đồng/năm; nhóm ngành Ngôn ngữ (3 ngành ngôn ngữ Italy, Tây Ban Nha và Nga) sẽ được hỗ trợ 35% học phí, còn 15,6 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, năm học 2022-2023, nhà trường sẽ dành 8% từ nguồn học phí khuyến khích học tập theo cơ chế tự chủ để cấp cho các sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Các học bổng, chương trình hỗ trợ tài chính có tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Mục tiêu lớn nhất của chính sách và hoạt động hỗ trợ sinh viên là giúp các tân sinh viên an tâm học tập, không để sinh viên vì khó khăn do học phí mà không thể tới trường.

Trong mùa tuyển sinh đầu tiên năm 2022, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM cũng áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho tân sinh viên. Trường đã hợp tác với ngân hàng để hỗ trợ học phí, tặng máy tính và triển khai quỹ học bổng đến 8 tỷ đồng cho sinh viên.

Trường liên kết với Ngân hàng Shinhan và Ngân hàng ACB xây dựng chương trình “Nhập học 0 tiền mặt”, đồng hành cùng sinh viên trong suốt 4 năm học. Ngân hàng sẽ thanh toán học phí trước thay cho sinh viên. Sau đó, các bạn sẽ đóng khoản tiền này hàng tháng qua thẻ tín dụng của ngân hàng, không lãi suất.

 

*** Tăng mức cho học sinh, sinh viên vay lên 4 triệu đồng/tháng

Từ ngày 19-5-2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng, theo Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ ngày 1-12-2019 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng. Quyết định cũng sửa đổi quy định về trả nợ gốc và lãi tiền vay.

Cụ thể, kể từ khi HSSV kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.


THANH HÙNG
Theo www.sggp.org.vn