[TRẢI NGHIỆM ĐẠI HỌC BURAPHA, THÁI LAN] UMTERS HỌC RA QUYẾT ĐỊNH TRONG KINH DOANH: TÌM HIỂU VỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI (CSR)

Ngày đăng: 06/06/2024

Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng cạnh tranh và toàn cầu hóa, việc duy trì đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) trở nên vô cùng quan trọng. Đạo đức kinh doanh không chỉ đơn thuần là tuân thủ quy tắc và luật lệ, mà còn phải hành động theo các nguyên tắc đạo đức như trung thực, minh bạch, công bằng, chính trực, tôn trọng và trách nhiệm. Những nguyên tắc này giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, từ đó tạo dựng lòng tin với khách hàng và các bên liên quan. UMTers với sự hướng dẫn đầy tâm huyết của PGS. TS. Wanvicechanee Tanoamchard đã có những kiến thức hữu ích về chủ đề này.

Sinh viên hào hứng lắng nghe chia sẻ về khung lý thuyết như Kim tự tháp Carroll, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc… Các bạn cũng được tìm hiểu nhiều ví dụ thực tế về đạo đức kinh doanh và CSR từ các công ty hàng đầu thế giới như:

  • Starbucks nổi tiếng với các sáng kiến CSR như mua sắm cà phê có đạo đức, nỗ lực bền vững về môi trường và các chương trình gắn kết cộng đồng, sử dụng năng lượng tái tạo trong cửa hàng và giảm thiểu chất thải. 
  • Chương trình "ReUse-A-Shoe" của Nike đã tái chế giày cũ thành vật liệu mới, góp phần giảm thiểu lượng rác thải và thúc đẩy bảo vệ môi trường. 

Những ví dụ này đã giúp UMTers nhận thấy rằng việc duy trì đạo đức kinh doanh và CSR không chỉ là lý thuyết mà còn là những hành động cụ thể, thực tiễn mà nhiều doanh nghiệp lớn đang thực hiện để tạo ra sự khác biệt tích cực. Đây cũng là yếu tố giúp người tiêu dùng có thiện cảm và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp khi sống xanh, sống sạch, phát triển bền vững đang là xu hướng hiện nay.

Cuối buổi học, các bạn thực hiện nghiên cứu nhóm về các vấn đề như kinh tế, môi trường, xã hội… để có cái nhìn cụ thể nhất về CSR. Việc duy trì đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vừa giúp doanh nghiệp xây dựng niềm tin với khách hàng, các bên liên quan; vừa góp phần tạo ra một xã hội văn minh và công bằng. Những nỗ lực này không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo ra giá trị lâu dài. 

Tin: Hoài Giang - SV ngành QKTD