- Hơn một triệu thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT vào ngày 28-29/6. Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị của các địa phương?
- Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên được ngành giáo dục xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu chuẩn bị là khâu quyết định thành công của kỳ thi.
Kỳ thi những năm qua đã được phân cấp, để UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức và chịu trách nhiệm toàn diện. Qua làm việc trực tiếp và báo cáo gửi về, tôi thấy các địa phương đã chủ động chuẩn bị chu đáo.
Các địa phương đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện... để kịp thời ứng phó trong những ngày thi. Ngoài ra, tổ chức cho học sinh ôn thi và thi thử; hỗ trợ để đảm bảo không thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.
Tất cả hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (thứ hai từ phải sang) kiểm tra tại điểm thi THPT Trấn Biên, Đồng Nai hôm 23/6. Ảnh: MOET
- Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn của kỳ thi năm nay?
- Thuận lợi đầu tiên phải kể tới là kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm ngoái. Quy chế thi được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các năm trước với một số điều chỉnh nhằm tăng cường các yếu tố an ninh, an toàn và bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
Sau ba năm kỳ thi tổ chức trong bối cảnh Covid-19 với biết bao khó khăn thì đây là năm đầu kỳ thi quay về trạng thái bình thường, ngay cả thời gian thi cũng là cuối tháng 6 như trước khi có dịch. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay đã có năm học cuối học trực tiếp trọn vẹn.
Tuy nhiên, lứa học sinh này có hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, do đó các trường phải tăng cường tổ chức ôn tập để các em có được kiến thức và tâm thế tốt nhất.
Khó khăn nữa có thể xuất hiện là tâm lý chủ quan vì công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình. Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo quốc gia quán triệt.
Vấn đề sử dụng thiết bị công nghệ cao, tinh vi để gian lận cũng là một trong những khó khăn để đảm bảo an toàn và tính nghiêm túc cho kỳ thi.
Ngoài ra, kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh, khoảng 250.000 người làm công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện... sẽ là những khó khăn phải có phương án dự phòng.
- Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao gây nên lo ngại nhiều năm qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo gì về biện pháp ngăn chặn?
- Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an cảnh báo, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu ở mức độ cao nhất.
Giải pháp quan trọng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội. Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.
Ngành công an đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thiết bị công nghệ cao. Trước kỳ thi hàng năm, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an địa phương đều cung cấp thông tin, tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ coi thi cách chủ động phát hiện, nhận diện thí sinh mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao.
Khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết gian lận thi cử là có thể thực hiện được.
Thứ trưởng phát biểu trong một buổi kiểm tra thi tại địa phương. Ảnh: MOET
- Điểm thi tốt nghiệp THPT ngoài mục đích xét tốt nghiệp còn được phần lớn đại học, cao đẳng sử dụng để xét tuyển. Quan điểm ra đề của Bộ Giáo dục như thế nào?
- Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Ngoài ra, trên 60% trường đại học dùng điểm kỳ thi này để xét tuyển.
Với tính chất như vậy, định hướng đề thi sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp để các trường làm căn cứ xét tuyển.
Đầu tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập. Các công việc liên quan đến đề thi được đảm bảo tuyệt đối an toàn, chính xác.
- Trước ngày thi, ông có lưu ý gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?
- 2023 là năm thứ tư kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên dịch bệnh không còn phức tạp. Dù vậy, học sinh năm nay vẫn có thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tôi đã làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ học sinh trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong các em sẽ mang tinh thần này vào kỳ thi để đạt kết quả tốt nhất.
Với phụ huynh, ngoài sự chăm sóc, động viên tinh thần để con em bình tĩnh, tự tin, tôi mong phụ huynh nhắc nhở các em thực hiện đúng quy chế thi, tránh những thiệt thòi về kết quả.
Với cán bộ coi thi và làm thi, tôi muốn nhắc lại tinh thần "4 đúng - 3 không" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt. "4 đúng" là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. "3 không" là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
Nguồn: VnExpress.net