Vừa qua, các bạn sinh viên UMT hào hứng tham gia Research Day với chủ đề “Environmental Externalities and Regulations” để trang bị kiến thức về quản lý các ngoại tác môi trường do Khoa Kinh doanh tổ chức.
Research Day được dẫn dắt bởi 2 Giáo sư giàu kinh nghiệm đến từ Khoa Kinh tế học tại Trường Đại học Paris Nanterre (Pháp):
GS. Phạm Thị Kim Cương là Giáo sư của Trường Đại học Paris Nanterre và là thành viên của FERDI (Fondation pour les Études et Recherches sur le Développement International). Cô đã tham gia nhiều chương trình đào tạo hỗ trợ nghiên cứu sinh Thạc sĩ/Tiến sĩ học tập và làm việc tại Pháp.
GS. Nguyễn Văn Phú là Giáo sư nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (French National Center of Scientific Research - CNRS). Thầy từng được CNRS trao tặng Huân chương Đồng vào năm 2015 cho nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế môi trường và ứng dụng toán kinh tế.
GS. Nguyễn Văn Phú thuyết trình Đề tài “Environmental regulations”, các bạn sinh viên đã cùng nhau học cách nhận biết vấn đề ngoại tác môi trường, phân biệt các ngoại tác tiêu cực và tích cực, cũng như cách áp dụng công cụ chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề ngoại tác. Ngoài ra, các bạn còn được tiếp cận với nhiều nguyên lý và mô hình khác nhau như nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền" và cách tính thuế dựa trên mức độ gây ô nhiễm môi trường. Ví dụ, ở Pháp, thuế carbon đã được áp dụng từ năm 2015 để giải quyết ngoại tác môi trường và mức thuế này dự kiến đạt 100€/tấn vào năm 2030.
Hơn nữa, GS. Nguyễn Văn Phú còn giới thiệu giấy phép về Quyền gây ô nhiễm được đề xuất bởi Ronald Coase, minh họa cách doanh nghiệp có thể mua bán quyền gây ô nhiễm để đạt được sự cân bằng tối ưu trên thị trường. Từ những kiến thức cơ bản này, sinh viên UMT đã được trang bị cái nhìn toàn diện về cách các chính sách có thể tác động đến hành vi kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ngoài các chính sách dựa trên thị trường, Research Day còn giới thiệu về các biện pháp quy định như tiêu chuẩn khí thải của Liên minh Châu Âu, quy định lượng NOx, CO2 và Hydrocarbon được phép phát thải từ ô tô và xe tải. Sinh viên cũng được học về tính hiệu quả và công bằng của các công cụ quy định, cũng như cách kết hợp các công cụ này để đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý ngoại tác môi trường.
Tiếp tục chương trình, GS. Phạm Thị Kim Cương đã cùng sinh viên Thực nghiệm trong lớp học (Classroom experiment) - Chủ đề "Carbon market and Pigouvian tax" để giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách hoạt động của các công cụ này. UMTers sẽ vào vai người bán hoặc người mua trên thị trường táo. Mục tiêu của người bán là tối đa hóa lợi nhuận, trong khi mục tiêu của người mua là tối đa hóa lợi ích. Mỗi phiên thí nghiệm sẽ kéo dài 5 phút và mỗi người bán hoặc người mua chỉ được giao dịch tối đa 1 kg táo mỗi phiên”:
Trong 3 phiên đầu tiên, mỗi kg táo bán ra gây ra một ngoại tác tiêu cực tương đương với chi phí €0.20 cho mỗi người mua và người bán.
Trong các phiên 4, 5 và 6, ngoài chi phí ngoại tác, một thuế ô nhiễm €4 được áp dụng cho mỗi kg táo bán ra. Lợi nhuận của người bán là sự chênh lệch giữa giá bán, chi phí sản xuất và thuế ô nhiễm.
Trong các phiên 7, 8 và 9, người bán chỉ được phép bán táo nếu có giấy phép ô nhiễm. Mỗi phiên có 4 giấy phép ô nhiễm được phân phát ngẫu nhiên cho người bán. Người bán phải quyết định sử dụng giấy phép để bán táo hoặc bán giấy phép cho người khác. Lợi nhuận của người bán là sự chênh lệch giữa giá bán, chi phí sản xuất và giá giấy phép. Qua thí nghiệm thực tế này, UMTers được trang bị góc nhìn toàn diện về cách các chính sách môi trường có thể tác động đến hành vi kinh tế.
Research Day không chỉ là sự kiện học thuật, mà còn là cơ hội để sinh viên UMT trải nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tế. Qua những bài giảng, mô hình và thí nghiệm sinh động, các bạn đã có cơ hội hiểu rõ hơn về công cụ và chính sách quản lý ngoại tác môi trường. Sự kiện cũng đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu và sự quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ môi trường trong mỗi sinh viên, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có trách nhiệm và nhận thức cao về các vấn đề môi trường, phát triển xã hội bền vững.