PGS. TS. TRẦN ĐAN THƯ, TRƯỞNG KHOA CÔNG NGHỆ: HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LUÔN DỄ DÀNG CÓ VIỆC LÀM

Ngày đăng: 06/05/2022

PGS. TS. Trần Đan Thư hiện là Trưởng Khoa Công nghệ, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT). Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), Thầy luôn hiểu rõ về thế mạnh của ngành cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

 

Thầy tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP.HCM, được giữ lại trường làm giảng viên và nhận bằng Thạc sĩ vào năm 1995; tu nghiệp tại Viện Bách khoa Toulouse (Cộng hòa Pháp) rồi nhận bằng Tiến sĩ năm 2001. Thầy trở về Việt Nam, tiếp tục công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Được phong hàm Phó Giáo sư năm 2007, bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), Thầy là tác giả và đồng tác giả của gần 40 bài báo khoa học, trong đó có nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và có một bằng phát minh sáng chế tại Hàn Quốc.

Nhắc đến Khoa Công nghệ của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) thì Thầy có thể nói gì ạ?

Khoa Công nghệ của UMT với ngành đào tạo CNTT hướng tới mục tiêu trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực hàng đầu cho lĩnh vực này trong tương lai.

Chương trình đào tạo CNTT của UMT được thiết kế kỹ lưỡng, kế thừa thế mạnh của các chương trình đào tạo trong nước và tiếp thu yếu tố tinh hoa từ các trường đại học hàng đầu thế giới, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu phát triển lẫn ứng dụng CNTT trong thực tiễn. Sinh viên được đào tạo trên nền tảng giáo dục hiện đại với kiến thức khai phóng và kỹ năng mềm, kiến thức chuyên ngành vững vàng kết hợp với trải nghiệm thực tế trong môi trường thực hành LAB của Trường và tại doanh nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu rất cao hiện nay của doanh nghiệp và hưởng thụ các giá trị lợi ích gia tăng trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp sau này.

Có rất nhiều nơi đào tạo ngành này, phải chăng ngành CNTT tại UMT cũng đang đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh?

Hiện nay, có khoảng 200 trường đào tạo ngành CNTT tại Việt Nam, vì vậy áp lực cạnh tranh chắc chắn phải có. Nhưng có một điều đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT trong 5 năm qua cứ tăng dần đều, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất thì nguồn nhân lực ngành này vẫn thiếu hụt rất nhiều. Vì vậy, bản thân tôi cùng nhà trường rất tự tin đào tạo nguồn nhân lực CNTT bởi chúng tôi tin rằng bằng tất cả tâm huyết, sự quyết tâm, khả năng đầu tư mạnh mẽ của nhà trường, ngành CNTT của UMT sẽ là một trong những lựa chọn hấp dẫn của các sinh viên đam mê công nghệ.

Khoa không chỉ được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, mà còn chú trọng vào đội ngũ chăm sóc sinh viên, đội ngũ giảng viên và chương trình giảng dạy. Đây chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt.

Đội ngũ giảng viên của UMT nhiều kinh nghiệm, uy tín và tâm huyết dành cho sinh viên; không chỉ có giảng viên chuyên môn cao, từng trải nghề nghiệp CNTT, mà còn bao gồm những chuyên gia công nghệ đến từ hệ sinh thái doanh nghiệp của nhà trường. UMT cũng đầu tư vào chương trình giảng dạy, phương pháp đào tạo khác biệt, vượt trội; ưu tiên trải nghiệm thực hành, thực tế nghề nghiệp song song với trang bị nền tảng lý thuyết vững chắc.

Nhiều bạn trẻ cho rằng muốn theo học CNTT là phải giỏi Toán thì có đúng không thưa Thầy?

Thật ra chưa chính xác lắm, đương nhiên là học sinh giỏi Toán sẽ có nhiều thuận lợi khi khởi đầu học CNTT. Tuy nhiên muốn theo đuổi ngành CNTT, chỉ cần những điều kiện cơ bản như yêu thích lĩnh vực công nghệ, đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành, có tư duy logic tốt. Bởi vì có yêu thích và đam mê, các em mới có thể theo đuổi ngành này lâu dài. Còn trình độ tiếng Anh thì Trường và Khoa luôn có sẵn chương trình phù hợp để giúp các em nâng cao trình độ ngay từ khi bắt đầu năm nhất. Với Toán học, các em không cần quá chuyên sâu mà chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, tư duy logic mới là quan trọng.

Theo học ngành CNTT sẽ có những khó khăn, thuận lợi nào thưa Thầy?

Thuận lợi trước mắt mà chúng ta có thể thấy được là sự thiếu hụt của nguồn nhân lực CNTT nên chắc chắn sinh viên ngành này sẽ rất dễ kiếm việc làm. Hiện nay, các công ty công nghệ trên thế giới phát triển bùng nổ và đã mở chi nhánh, công ty con tại nhiều nước, đặc biệt là rất nhiều ở Việt Nam. Vì vậy, cơ hội các em có việc làm tốt tại các công ty trong và ngoài nước, công ty đa quốc gia với mức thu nhập khá cao. Không chỉ các công ty công nghệ, mà với sự phát triển của thời đại số hóa, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sử dụng CNTT, nên khi học ngành này, các em còn có cơ hội việc làm về vận hành, phát triển hay xây dựng phần mềm trong các lĩnh vực đa dạng khác nhau như cơ quan nhà nước, siêu thị, dược phẩm, y tế, thực phẩm…

Còn khó khăn thì theo tôi là thách thức của sự thay đổi công nghệ. Đó là công nghệ phát triển không ngừng, đòi hỏi người học hay làm trong lĩnh vực này phải có năng lực tự học rất cao, dành nhiều thời gian để cập nhật liên tục kiến thức, kỹ năng và xu hướng mới nhất. Nếu các bạn ngủ quên trên chiến thắng, chỉ khoảng 1 - 2 năm mà không tự trau dồi kiến thức thì sẽ lạc hậu so với sự phát triển công nghệ và gặp khó khăn ngày càng nhiều trong công việc.

Tương lai robot sẽ thay thế con người dẫn đến tình trạng một số ngành nghề sẽ mất đi, ngành CNTT liệu có bị ảnh hưởng không thưa Thầy?

Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với ngành CNTT. Có một điều thú vị, đây là ngành mà bạn làm công việc thủ công hoặc bán tự động để tạo ra sản phẩm phần mềm chạy tự động phục vụ cho các nhu cầu nghề nghiệp khác nhau. Thành ra, dù thị trường có thay đổi ra sao, xã hội xoay chuyển thế nào thì công nghệ vẫn phải được tập trung cải tiến liên tục. Vì vậy, sẽ luôn cần có nguồn nhân lực của lĩnh vực CNTT để làm những việc mà không máy móc hay robot nào có thể thay thế được.

Mặt khác, với sự phát triển quá nhanh của công nghệ như hiện nay, các sản phẩm công nghệ luôn không ngừng cải tiến, sản phẩm làm ra chỉ một thời gian ngắn là cần phải nâng cấp lên phiên bản mới, điều này chỉ có nguồn nhân lực chuyên nghiệp của ngành CNTT mới có thể đáp ứng. Mà trên thực tế hiện nay, thị trường vẫn luôn thiếu hụt nguồn nhân lực này.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Thầy!