Ngày đăng: 04/02/2023

Ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng đang được rất đông sinh viên quan tâm, tuy nhiên có nhiều bạn còn nhầm lẫn hai ngành này. Nếu bạn chưa thể giải đáp thắc mắc và lựa chọn Truyền thông hay Quan hệ công chúng, hãy cùng UMT theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!  

Ngành Truyền thông sẽ học gì và làm gì?  

Ngành Truyền thông được hiểu là hoạt động cung cấp, trao đổi, lan tỏa và tương tác của nhiều đối tượng với nhau để chuyển tải thông tin hay thông điệp nào đó. Ngành Truyền thông có thể chia thành 4 lĩnh vực nhỏ như sau: 

  • Truyền thông báo chí: Đây là ngành nghề rất rộng lớn và báo chí chỉ là mảng nhỏ trong lĩnh vực truyền thông. Báo chí sẽ đưa thông tin đến người đọc và giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với những vấn đề, sự kiện đang xảy ra trong đời sống hàng ngày thông qua câu từ, hình ảnh được cập nhật định kỳ và phát hành rộng rãi dưới các hình thức như báo giấy, báo hình, báo nói hay báo điện tử.  
  • Truyền thông mạng xã hội: Là hình thức sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok… để tiến hành các hoạt động truyền thông, giúp tăng cường nhận biết và tình yêu thương hiệu đối với đối tượng khách hàng và giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu.  
  • Truyền thông đa phương tiện: Là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập cao. Việc làm không chỉ trong nước mà còn mở rộng sang thị trường quốc tế trong thế giới phẳng hiện nay. Mọi tổ chức từ chính quyền đến các đơn vị tư nhân đều cần sử dụng những công cụ truyền thông hữu hiệu trong sự bùng nổ của thông tin. Đây là ngành ứng dụng công nghệ cao trong sáng tạo, thiết kế và xây dựng sản phẩm mỹ thuật có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như truyền thông, văn hóa, giáo dục... và nhiều lĩnh vực khác của đời sống.  
  • Truyền thông quảng cáo: Là phương thức mà nhiều công ty sử dụng nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến khách hàng với mục đích thu hút người tiêu dùng mua hàng. 

Khi tốt nghiệp ngành Truyền thông, các bạn có thể chọn những vị trí việc làm như: Biên tập viên, phóng viên, content creator, người dẫn chương trình, chuyên viên tổ chức sự kiện…  

Vậy còn ngành Quan hệ công chúng thì sao?  

Quan hệ công chúng là thuật ngữ để chỉ các hoạt động có định hướng, có mục đích, nhằm xây dựng và phát triển uy tín của tổ chức hay cá nhân với công chúng; từ đó tạo hình ảnh tốt phục vụ cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu. Ngành Quan hệ công chúng là ngành nghiên cứu và ứng dụng kiến thức, kỹ năng cho công việc liên quan đến quảng bá, tuyên truyền, đối ngoại của cá nhân hay doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Người làm Quan hệ công chúng là người xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhóm công chúng và tổ chức, doanh nghiệp bằng việc bảo đảm các yếu tố tương tác giữa hai bên.  

Ngành Quan hệ công chúng đào tạo nhiều kiến thức đa dạng có thể kể đến như:  

  • Sản xuất chương trình truyền hình  
  • Sản xuất chương trình quan hệ công chúng  
  • Xây dựng và phát triển thương hiệu  
  • Viết và biên tập tin  
  • Đàm phán và giải quyết tranh chấp  
  • Tổ chức sự kiện  

Sự khác biệt giữa ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng là như thế nào?  

Là hai ngành phổ biến và đa dạng ngành nghề, tuy nhiên giữa Truyền thông và Quan hệ công chúng vẫn có một số điểm khác nhau về mục tiêu của từng ngành, có thể kể đến như: 

  • Quan hệ công chúng tương tác với công chúng bằng các phương tiện, truyền thông tương tác qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội 

Quan hệ công chúng xây dựng mối quan hệ với đối tác và các bên liên quan. Và khi thực hiện điều đó thì những người làm Quan hệ công chúng có nhiệm vụ sử dụng các phương tiện truyền thông, tổ chức sự kiện để tương tác với đối tượng mục tiêu.  

Trong khi đó, người làm Truyền thông tập trung nhiều vào truyền thông báo chí, truyền hình, mạng xã hội... sử dụng làm kênh giao tiếp hiệu quả với các bên truyền thông, giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu bằng phương thức trực tuyến hay trung gian.  

  • Truyền thông là một phần của Quan hệ công chúng  

Các quan hệ Truyền thông đều là Quan hệ công chúng, song không phải mọi Quan hệ công chúng đều là Quan hệ truyền thông. Có thể nói, Truyền thông là một phần của Quan hệ công chúng.  

  • Quan hệ công chúng tạo ra thông điệp, Truyền thông phát tán thông điệp 

Chuyên gia Quan hệ công chúng có trách nhiệm tạo nên thông điệp nhận diện thương hiệu và làm cho thông điệp này ngày càng lan tỏa. Trong khi đó, Truyền thông đảm nhận nhiệm vụ tăng cường khả năng chuyển tải thông điệp bằng các kênh như báo chí, truyền hình, mạng xã hội.  

Trên đây là bài viết UMT chia sẻ về ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng, hy vọng các bạn có thể lựa chọn được ngành phù hợp với bản thân. Và mong rằng, bất kể bạn là ai, học trường gì hay chọn nghề nào, các bạn vẫn sẽ tỏa sáng trên con đường đã chọn.