[LIVESTREAM BÁO THANH NIÊN] NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI XÉT TUYỂN NGÀNH KINH TẾ, NGÂN HÀNG, LUẬT

Ngày đăng: 15/02/2023

Kinh doanh, quản lý và pháp luật là khối ngành có quy mô sinh viên theo học nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải người nào cũng phù hợp để theo học khối ngành này.

 

Đó là chia sẻ của chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kinh tế - ngân hàng - luật" diễn ra hôm qua 14.2. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Có sức hút nhưng không phải ai cũng phù hợp

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2021 - 2022 khối ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật dẫn đầu quy mô đào tạo ĐH với hơn 545.300 sinh viên. So với năm học trước đó, khối ngành này có số lượng sinh viên tăng thêm hơn 13.400.

Nhiều thắc mắc của thí sinh được giải đáp trong chương trình tư vấn “Chọn ngành học cho tương lai”

Trước con số nói trên, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhìn nhận: "Không lạ nếu khối ngành này luôn nằm trong tốp đầu được người học lựa chọn". Tuy nhiên, thạc sĩ Tư nói: "Không phải vì nhìn thấy có nhiều người học mà chúng ta đổ xô đăng ký. Bởi trong số này luôn có 2 luồng thí sinh: người thực sự yêu thích và người không biết chọn gì cũng đăng ký theo học".

Theo thạc sĩ Tư: "Với những người chỉ chọn học theo xu hướng nhưng không đủ khả năng theo học thì dễ dẫn đến những sai lầm sau này. Mà trước mắt là, nếu không đủ đam mê và sự phù hợp, người học sẽ khó theo đuổi lâu dài".

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhìn nhận: Một đặc điểm riêng có ở khối ngành khi làm việc sau này là tiếp xúc với con người rất nhiều. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp được các trường chú trọng rèn luyện cho sinh viên. Ngoài ra, mỗi ngành cụ thể có những kỹ năng khác biệt, ví dụ sự sáng tạo trong lĩnh vực marketing, quản trị nguồn nhân lực phải am hiểu tâm lý con người…

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay: "Người trẻ hiện nay rất thích học các ngành liên quan đến khối kinh tế - ngân hàng - luật, bản thân tôi làm công tác tư vấn cũng nhận thấy điều này. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp". Thạc sĩ Phương cho rằng việc chọn ngành của nhiều bạn trẻ hiện nay đang dựa vào tên ngành, không theo cảm xúc suy nghĩ của mình mà của người khác như ba mẹ, người yêu, hàng xóm hoặc bất cứ ai…

 

Những yếu tố người học kinh tế cần có

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng kinh tế, quản lý, luật… là những lĩnh vực đòi hỏi những tố chất rất đặc trưng, cũng chính là những tố chất để theo đuổi việc học thành công ở một trường ĐH. Theo ông Viên, ngay trong lĩnh vực kinh tế, người học cũng có những định hướng khác nhau về công việc tương lai như: trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, nhà quản lý tự khởi nghiệp thành lập công ty riêng hay đi làm công ăn lương… Tương ứng với những công việc này sẽ có những yêu cầu khác nhau.

"Trong đó, các yêu cầu chung là khả năng đọc, thu thập và tiếp cận thông tin nhanh chóng, đưa ra các nhận định đánh giá dự báo chính xác. Các bạn cần phải có năng lực toán học rất tốt và trong xu thế hiện nay khi tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, người học còn đòi hỏi năng lực ngôn ngữ, sử dụng công nghệ thông tin", tiến sĩ Viên phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói: "Khối ngành này đòi hỏi những khả năng khá toàn diện của người học. Có thể không cần rất giỏi toán nhưng nếu sợ toán sẽ khó theo học. Nhưng nếu chỉ giỏi các môn tự nhiên thì chưa đủ mà còn phải có khả năng kết nối, giao tiếp…".

Thạc sĩ Cao Quảng Tư nhấn mạnh: "Có những yếu tố liên quan đến tiềm năng của ngành học nhưng sẽ có những yếu tố liên quan đến chuyên ngành học mà trường ĐH sẽ đào tạo cho người học". Thạc sĩ Tư phân tích có những ngành học đòi hỏi những yêu cầu cơ bản ngay từ đầu vào, ví dụ làm ca sĩ phải có thanh nhạc tốt, làm diễn viên cần có diễn xuất và cần phải kiểm tra năng khiếu đầu vào. "Nhưng có những ngành không kiểm tra khả năng đầu vào như kinh doanh - ngân hàng - luật. Nhiều thí sinh băn khoăn không có khả năng phân tích tài chính, phân tích số liệu kinh doanh thì có nên học không. Những kiến thức chuyên ngành này khi vào ĐH các bạn sẽ được đào tạo. Nhưng các bạn cần định vị năng lực của bản thân ngay từ đầu khi chọn ngành chính là năng lực của mình ở đâu", thạc sĩ Tư nói.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng tùy thuộc vào những ngành cụ thể đòi hỏi các tố chất khác nhau. Ví dụ, nhóm ngành quản lý, kinh doanh, thương mại thì cần có những tố chất lõi như: năng động, nhạy bén, khả năng giao tiếp tốt, quyết đoán, ra quyết định nhanh… Các ngành về marketing, truyền thông cần có tư duy sáng tạo, nắm bắt tâm lý con người, giao tiếp trình bày tốt, thậm chí có khả năng thẩm mỹ. Những ngành liên quan đến con số thì đòi hỏi khả năng tính toán, sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, trung thực, trí nhớ tốt để thao tác nghề nghiệp…

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM, chia sẻ: "Bạn nào đặc biệt yêu thích tìm hiểu các quy luật kinh tế, lưu thông hàng hóa, sử dụng tài chính tiền tệ… thì xem xét việc học ngành này. Học các ngành này, không chỉ giỏi, các bạn còn cần có thêm tố chất liều lĩnh, can đảm tiên phong, sáng tạo, chịu trách nhiệm, giao tiếp tốt, không ngừng học hỏi…".

Tiến sĩ Văn Hữu Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kinh tế - quản trị Trường ĐH Thái Bình Dương, nhận định: Nếu chọn khối ngành kinh tế - ngân hàng - luật vì cho rằng khối ngành này dễ hơn các khối ngành khác là không phải. Do đó, việc chọn ngành nên theo sở thích, đam mê và năng lực của bản thân để bền chặt hơn.

Nguồn: Thanhnien