Ngày 30/11/2024, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM đã chính thức bước vào “sân chơi” khoa học với Hội nghị khoa học UMT lần thứ 1 (DCEST 2024). Sự kiện mang chủ đề "Sự hội tụ của khoa học kỹ thuật và đời sống trong kỷ nguyên số" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội nghị khoa học UMT về Kinh tế, Xã hội và Công nghệ (DCEST 2024) lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề: Sự hội tụ của khoa học kỹ thuật và đời sống trong kỷ nguyên số.
Trong khuôn khổ hội nghị, UMT cũng đã vinh danh 9 tác giả xuất sắc với các công trình nghiên cứu tiềm năng. DCEST UMT 2024 nhận được gần 90 tóm tắt/công trình nghiên cứu của các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trong nước và quốc tế gửi về tham dự. Trong đó có 35 tóm tắt công trình nghiên cứu từ Trường Đại học UMT.
Ban Tổ chức cũng rất vui mừng nhận được 56 bài toàn văn của nhiều học giả, nhà nghiên cứu về các công trình liên ngành – đa ngành liên quan đến Kinh tế, Xã hội và Công nghệ. Hội nghị đã mời gần 30 chuyên gia phản biện uy tín tham gia đóng góp ý kiến cho các bài viết và theo quy trình chuyên nghiệp, chặt chẽ. Số lượng bài viết toàn văn được chấp nhận đăng Kỷ yếu Hội nghị UMT 2024 là 43 bài từ các đơn vị nghiên cứu, tổ chức giáo dục đại học uy tín, trong đó có UMT. Hay nói cách khác, tỷ lệ bài được duyệt thành công chiếm 76,78% cho tính nghiêm túc trong hoạt động khoa học công nghệ của Nhà trường.
Với định hướng tiếp cận hoạt động khoa học công nghệ theo hướng đa ngành - liên ngành của UMT; các bài viết về chuyên đề Kinh tế, Xã hội và Công nghệ tại Hội nghị trải dài theo các vấn đề từ vĩ mô đến vi mô, từ tổng quan lý thuyết đến áp dụng thực tiễn. Các diễn giả đã mang đến những bài tham luận đặc sắc với các phiên thảo luận chuyên đề sôi nổi.
Tiểu ban Kinh tế do TS. Trương Thị Ái Nhi dẫn dắt, đề cập tới những vấn đề nóng bỏng như kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác công tư trong đầu tư thể thao, thể thao điện tử cho người khuyết tật, biến động nguồn nhân lực.
Tiểu ban Công nghệ, dưới sự chủ trì của PGS. TS. Trần Đan Thư, đã tập trung vào các chủ đề nóng như AIoT, công nghệ phần mềm và mật mã. Nổi bật là các nghiên cứu về bảo mật dữ liệu, mã hóa đồng cấu, ứng dụng Edge Computing, AI trong y tế.
Tiểu ban Xã hội, dưới sự dẫn dắt của TS. Lý Lê Tường Minh, đã mang đến những góc nhìn đa chiều về giáo dục, giao thông, truyền thông và bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên số. Các tham luận đáng chú ý bao gồm: ứng dụng mô hình Toán học trong kinh tế, vai trò của truyền thông nội bộ, công nghệ 3D Led trong quảng cáo, giải pháp giao thông đô thị và ngôn ngữ - văn hóa.
TS. Huỳnh Bá Lân- Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng UMT, chia sẻ: “Những chủ đề được thảo luận không chỉ mở rộng tư duy, hiểu biết của chúng ta về các vấn đề chuyên môn, mà còn khơi dậy những ý tưởng mới mẻ và cung cấp giải pháp hữu ích cho cộng đồng. Những chia sẻ này sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục phát triển các dự án nghiên cứu trong tương lai, cũng như xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, hỗ trợ nhau trong hành trình nghiên cứu khoa học”.
TS. Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng UMT phát biểu khai mạc Hội nghị Khoa học UMT lần thứ I 2024
DCEST 2024 đã khép lại thành công, nhưng những giá trị mà nó mang lại sẽ tiếp tục lan tỏa. Hội nghị không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi kiến thức mà còn là cầu nối vững chắc giữa UMT với cộng đồng khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.
Tin bài: Đại Phúc
Hình: Duy Kha, Đăng Kha, Gia Huy, Thanh Nam