[HỘI NGHỊ KHOA HỌC UMT 2024] TIỂU BAN XÂY DỰNG VỚI NHỮNG ĐÓNG GÓP CHIẾN LƯỢC CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày đăng: 09/01/2025

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học UMT 2024 (DCEST), phiên thảo luận của Tiểu ban Xây dựng không chỉ phản ánh sự sáng tạo trong tư duy khoa học mà còn gợi mở các giải pháp thiết thực hướng tới xây dựng môi trường, công trình và xã hội bền vững.

Bảo tồn di sản kiến trúc trong xu thế đô thị trung hòa các-bon: Tác giả Ngô Minh Hùng tập trung vào việc đề xuất chiến lược bảo tồn và gìn giữ các giá trị đặc trưng của di sản kiến trúc tại thành phố Huế. Qua đó, định hướng xây dựng một mô hình đô thị trung hòa các-bon, phù hợp với quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa.

Đánh giá hồi cố rạn san hô vịnh Vân Phong - Bước đầu ứng dụng công nghệ số: Tác giả Đoàn Văn Phúc và Trần Lưu Cường đã chỉ ra tình trạng suy giảm đáng kể của các rạn san hô tại vịnh Vân Phong thông qua việc ứng dụng công nghệ số, bao gồm ảnh viễn thám. Kết quả phân tích tập trung chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái và đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái biển.

Nghiên cứu ứng xử của hỗn hợp cát và diatomit trong thí nghiệm nén một trục: Các tác giả Hoàng Ngọc Quý, Trương Quang Hùng, Kim Sang Yeob, Lee Dongsoo, Lee Jong-sub đã sử dụng mẫu cát nguyên chất và hỗn hợp cát với 20% diatomit để phân tích ứng xử nén và vận tốc sóng cắt trong điều kiện thí nghiệm nén một trục. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự hiện diện của diatomit có ảnh hưởng đáng kể đến các đặc tính cơ học của đất, từ đó đặt ra các vấn đề trong việc khai thác tài nguyên xa bờ.

Thiết kế tường vây hố đào sử dụng tấm lót bằng thép: Nghiên cứu này đề xuất giải pháp sử dụng tấm lót thép lượn sóng trong thiết kế tường vây hố đào cho các công trình hạ tầng vừa và nhỏ. Giải pháp được đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả kinh tế và khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong thi công.

Tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào kiến trúc nhằm nâng cao trải nghiệm không gian nghệ thuật công cộng tại TP.HCM: Tác giả Nguyễn Minh Trí đã nghiên cứu việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số như thực tế tăng cường (AR), holographic và mặt tiền động vào kiến trúc, nhằm nâng cao trải nghiệm và tương tác đa giác quan trong không gian nghệ thuật công cộng tại TP.HCM.

Kết thúc phiên thảo luận, PGS. TS. Lê Văn Nam đánh giá: “Các nghiên cứu được trình bày trong phiên thảo luận của Tiểu ban Xây dựng không chỉ mang tính sáng tạo mà còn giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng một xã hội bền vững – tinh thần mà UMT luôn nỗ lực hướng tới”.

Hội nghị khoa học UMT 2024 không chỉ là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trình bày kết quả nổi bật mà còn là cơ hội để định hình xu hướng khoa học trong tương lai. Những ý tưởng và giải pháp từ Hội nghị lần này hứa hẹn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

#UMT #DCEST2024 #Tieubanxaydung #Phatrienbenvung